Những bộ phận cơ thể "cắt" đi vẫn sống khỏe
Một phổi
Nếu cơ thể chúng ta có hai thứ gì đó, thì không hẳn là chúng ta cần cả hai. Việc sống chỉ với một phổi, hoặc có thể là một phổi rưỡi, không khác gì nhiều với việc có cả hai phổi. Người ta có thể nghĩ rằng mất đi một lá phổi sẽ làm giảm một nửa khả năng hô hấp, nhưng không phải vậy vì cơ thể con người có dự trữ đáng kể.
Người đã phẫu thuật cắt bỏ một bên phổi vẫn giữ được từ 70 đến 80% chức năng hô hấp. Phổi còn lại sẽ sớm giãn nở bù cho bên phổi bị mất, và tập thể dục đều đặn sẽ đẩy nhanh này. Hoạt động gắng sức có thể khó khăn hơn, nhưng tập thể dục bình thường không bị ảnh hưởng nếu một bên phổi bị cắt bỏ.
Bạn không cần cả hai phổi. Trên thực tế, nhiều cơ quan bạn có thể không có mà vẫn sống tốt |
Một tác dụng phụ chính là di lệch, vì phổi mất đi để lại khoảng trống. Lồng ngực sẽ xẹp nhẹ; tim, gan và phổi còn lại sẽ dồn về chỗ trống; và dịch sẽ lấp đầy phần còn lại của khoang. Cuối cùng, dịch sẽ bị keo hóa thành đám dính phổi.
Hệ quả của tất cả hoạt động này là cột sống có thể cong 15 – 30o về phía bên phổi bị mất, thường dễ nhận thấy nếu nhìn từ đằng sau khi đứng thẳng. Trong một số trường hợp, sự di lệch này có thể gây cản trở hô hấp.
Một thận
Chúng ta hoàn toàn có thể sống một cuộc sống viên mãn với chỉ một trong hai quả thận - cơ quan lọc chất thải ra khỏi máu. Cho dù thiếu một thận vì phải phẫu thuật cắt bỏ hay vì hiến tặng cho một người khác, thì hầu hết mọi người vẫn sống khỏe mạnh bình thường với một quả thận.
Về lâu dài có những nguy cơ giảm nhẹ chức năng thận hoặc huyết áp cao, nhưng nói chung thì một thận khỏe mạnh có thể làm việc như hai thận. Và nếu không có biến chứng như bệnh thận, thì thậm chí bạn có thể bạn không phải thay đổi chế độ ăn uống.
Dạ dày và ruột non
Về chế độ ăn thì có những thứ bạn có thể phải thay đổi nếu phải cắt dạ dày. Nhưng bạn sẽ vẫn tiếp tục sống. Theo Live Science, có thể cắt bỏ toàn bộ dạ dày, với thực quản nối trực tiếp từ họng xuống ruột non. Sau một thời gian phục hồi, bệnh nhân có thể phải ăn nhiều bữa nhỏ và uống bổ sung nếu không hấp thụ đủ vitamin.
Kết quả cũng sẽ tương tự nếu cắt bỏ một phần của ruột non, là nơi tiêu hóa thức ăn nhiều nhất trong hệ tiêu hóa.
Đại tràng
Khi ruột già hay đại tràng bị cắt bỏ, bệnh nhân có thể phải mang một túi bên ngoài để chứa phân. Vì phân không thể di chuyển xuống hậu môn như bình thường, bác sĩ sẽ phải tạo ra một chỗ thoát, hay hậu môn nhân tạo, trên thành bụng. Túi có kích thước khoảng bằng bàn tay, và tuy sẽ mất thời gian để làm quen, song có hậu môn nhân tạo sẽ không có nghĩa là bạn sẽ phải thay đổi đáng kể về lối sống. Hầu hết mọi người sẽ không phải thay đổi chế độ ăn hoặc quần áo.
Có những người đã mang hậu môn nhân tạo trong nhiều năm. Họ vẫn có cuộc sống bình thường, có sự nghiệp, có vợ/chồng và có con, chơi thể thao, và đi du lịch khắp thế giới.
Có thể cắt bỏ nhiều đoạn ở đường tiêu hóa mà không gây ra nhiều thay đổi. |
Cơ quan sinh sản
Mọi người có thể khá xem trọng các cơ quan sinh sản của mình, nhưng hóa ra chúng không phải là cần thiết. Ví dụ, để điều trị ung thư có thể phải cắt bỏ tinh hoàn ở nam giới hoặc tử cung ở phụ nữ. Và có một số phụ nữ bẩm sinh không có những phần nhất định của hệ sinh sản, bao gồm cả các phần của âm đạo.
Một phụ nữ bị hội chứng Mayer-Rokitansky-Kuster-Hauser hiếm gặp đã viết rằng cô sinh ra đã không có tử cung hoặc 2/3 trên của âm đạo. Bệnh nhân giải thích là mình không có kinh nguyệt, và do đó có thể không bao giờ có thai, nhưng cô vẫn có chu kỳ hoóc môn - "Tôi không có tử cung và không có lớp niêm mạc bong ra mỗi tháng. ... Tôi rụng trứng mỗi tháng, nhưng thay vì đi vào ống dẫn trứng, chúng sẽ rời ra sau khi ra khỏi buồng trứng. "
Một người đàn ông bẩm sinh không có dương vật, theo tờ Independent, đã sống một cuộc sống khá là bình thường và vẫn thân mật được với hàng chục phụ nữ bằng cách làm tất cả mọi thứ trừ giao hợp theo kiểu truyền thống.
Tuyến giáp
Nằm ở vùng cổ, tuyến giáp chi phối sự tăng trưởng, phát triển, trao đổi chất và các chức năng khác. Nó cũng có thể được cắt bỏ.
Hội tuyến giáp Mỹ cho biết một số người có thể phải điều trị bằng nội tiết tố tuyến giáp, đặc biệt là nếu cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp, nhưng họ vẫn có thể tiếp tục sống bình thường.
Lách
Nếu bị vỡ lách, có thể phải cắt bỏ. Nhưng đó không phải là vấn đề. Theo Bệnh viện Mayo, nếu không có tình trạng bệnh nào khác, thì "các cơ quan khác trong cơ thể sẽ đảm nhiệm hầu hết những chức năng mà trước đó do lách thực hiện".
Tuy nhiên, vì lách giúp bảo vệ chống lại nhiễm trùng, nên bệnh nhân có nguy cơ bị bệnh cao hơn, đặc biệt là ngay sau khi mổ. Các vắc xin, như vắc xin cúm, có thể giúp đối phó với vấn đề này.