Nhìn lại việc thực hiện đề án 1237 tại Thái Nguyên
Sau 2 năm thực hiện đề án 1237 đã có 59 phần mộ liệt đã được quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ

Ngoài công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cho thực hiện Đề án này thì việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn lập bản đồ đã được cơ quan tham mưu các cấp đặc biệt quan tâm. Lý do phải tập huấn đến từng người dân vì các phần mộ hy sinh được phát hiện đều nằm giải giác mọi nơi và được nhân dân chôn cất từ rất nhiều năm. Việc tập huấn chi tiết sẽ tạo được tính thống nhất, khoa học; tiện cho việc xác minh, quy tập.

Thiếu tá Dương Sĩ Hào, Trưởng Ban Chính sách, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Đề án này trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên khi bắt đầu triển khai rất là khó khăn. Vì chủ yếu các liệt sĩ hy sinh trên địa bàn trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Thời gian đã lùi xa, các nhân chứng tuổi đã cao, địa hình để tiếp cận nhiệm vụ khó khăn, dấu vết còn quá ít ỏi”.

Do được thông tin, tuyên truyền đầy đủ, hơn hai năm qua, ngành chức năng từ xã đến tỉnh đã nhận được hàng chục nghìn thông tin, địa chỉ các phần mộ do nhân dân và các tổ chức cung cấp. Căn cứ vào các dữ liệu ban đầu, nhiều cuộc hội thảo khoa học được triển khai. Qua hội thảo, các thông tin được phân tích chính xác, công khai với mọi người dân và triển khai tìm kiếm, quy tập, an táng theo quy định và theo phong tục, tập quán của từng địa phương. Mỗi phần mộ được đưa vào nghĩa trang liệt sĩ là thêm một niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và Quân đội.

Nhìn lại việc thực hiện đề án 1237 tại Thái Nguyên
Một phút tưởng nhớ các liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc

Ông Đỗ Văn Quang, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Sông Công xúc động chia sẻ: “Thành phố đã tổ chức một buổi lễ rất trang trọng, chu đáo để đưa hài cốt các liệt sĩ về nơi an nghỉ là nghĩa trang. Để bà con nhân dân, cấp ủy chính quyền có điều kiện chăm sóc, hương khói cho các liệt sĩ được chu đáo. Từ đây, động viên được các thế hệ trẻ tiếp tục phát huy truyền thống, tham gia xây dựng vào bảo vệ Tổ quốc”.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thải Nguyên có 79 nghĩa trang gồm 3.189 phần mộ liệt sĩ. Sau hai năm thực hiện Đề án, 59 phần mộ của các liệt đã được bổ sung vào danh sách ấy. Con số này còn rất khiêm tốn so với hàng nghìn cái tên chưa được tìm thấy. Tuy nhiên đây cũng là nỗ lực không nhỏ của các ngành chức năng trong suốt thời gian qua.

Đại tá Ngô Hồng Thái, Chính ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Nguyên đánh giá: “Thực hiện Đề án 1237 thì ban chỉ đạo 1515 của tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành triển khai tổ chức thực hiện đảm bảo theo kế hoạch và tiến trình đề ra. Đến nay, đã cơ bản kết luận xong địa bàn cấp tỉnh. Thời gian tới, đặc biệt là trong năm 2021, chúng tôi sẽ tập trung vào tiến hành tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đã được nhân dân cung câp, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy trình và kịp thời. Thứ hai là sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân để từng bước đưa những mộ liệt sĩ hiện nay đang được an táng trong các nghĩa trang gia đình vào nghĩa trang liệt sĩ để quản lý và chăm sóc”.

Từ khi triển khai thực hiện Đề án 1237 và sau hơn 02 năm quán triệt, triển khai thực hiện Hướng dẫn của cấp trên cũng như kế hoạch cấp mình. Đề án 1237 của Thủ tướng Chính phủ đã được cấp uỷ, chính quyền các cấp quan tâm; các cơ quan chức năng chủ động tham mưu, triển khai thực hiện đạt được một số kết quả nhất định, điều đó đã thể hiện sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc ta, phần nào đáp ứng nguyện vọng, xoa dịu những mất mát, đau thương của thân nhân, gia đình liệt sĩ./.