Nhìn lại tuần làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV
Tuần qua là tuần làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV. Nhiều vấn đề kinh tế - xã hội và quốc kế dân sinh đã được Quốc hội đưa ra xem xét, trong đó có việc thảo luận sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, việc bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Qua những phiên thảo luận tại nghị trường và ở tổ, cử tri thấy Quốc hội đã nhìn rõ bức tranh toàn cảnh của tình hình kinh tế-xã hội của đất nước và một quyết tâm cao để vượt qua khó khăn thách thức hiện nay, đưa đất nước đi lên.
Một phiên thảo luận tại tổ của các đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh, Cao Bằng, Phú Yên và Sơn La (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội) |
Kỳ họp diễn ra trong sự trông đợi và quan tâm đặc biệt của cử tri và nhân dân cả nước với những nội dung quan trọng được bàn thảo, xem xét và quyết định. Tại phiên khai mạc, Quốc hội đã nghe Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017.
Báo cáo đã chỉ rõ những hạn chế, yếu kém như: tăng trưởng GDP 9 tháng qua đạt thấp so với cùng kỳ (5,93% so với 6,5%), dự báo tăng trưởng GDP cả năm thấp hơn kế hoạch đề ra (6,7%); tái cơ cấu nhiều ngành, lĩnh vực còn chậm; đời sống người dân còn khó khăn.
Vì vậy, trong những phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 2017 được nêu ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến nhiệm vụ xây dựng nền hành chính hiệu lực hiệu quả, kỷ luật kỷ cương. Cụ thể, tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng xây dựng Luật, Pháp lệnh và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, không để nợ đọng. Tập trung xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp. Tăng cường kỷ luật kỷ cương, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực hiện chỉ đạo của cơ quan hành chính cấp trên và người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm tập trung thảo luận trong tuần làm việc là phân tích về nhiều nội dung cụ thể của việc sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2015 và thời điểm thực hiện. Các đại biểu cơ bản tán thành với quan điểm của Chính phủ là sửa đổi khắc phục những sai sót rõ ràng về mặt kỹ thuật, kết hợp xử lý những quy định chưa hợp lý hoặc có khả năng khó áp dụng trên thực tế; đặc biệt, việc sửa đổi không làm ảnh hưởng đến những chính sách hình sự lớn đã được Quốc hội khóa XIII thông qua và không dẫn đến phải sửa đổi các đạo luật đang được lùi hiệu lực thi hành cùng với Bộ luật Hình sự năm 2015.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng cho rằng, việc sửa đổi lần này phải bảo đảm đã rà soát hết được các sai sót, tránh tình trạng sau khi thi hành lại phát hiện sai sót khác; đồng thời, đối với những quy định có thể dẫn đến tùy tiện trong áp dụng, thiếu nhất quán về chính sách hình sự, chưa phân hóa tội phạm, nội dung thiếu rõ ràng, mâu thuẫn với luật chuyên ngành…thì cũng cần nghiên cứu để sửa đổi nhằm bảo đảm tính thống nhất của cả Bộ luật cũng như với các đạo luật khác.
Cũng trong tuần làm việc đầu tiên, Quốc hội đã dành thời gian thảo luận Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Kế hoạch tài chính 5 năm, mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 (trong đó có đánh giá toàn diện các mặt công tác huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2011-2015) và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Qua thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng, tốc độ phát triển kinh tế không phải là vấn đề lớn, mà cần phải xem xét đến vấn đề tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế theo hướng “tăng trưởng đi vào chiều sâu, chú trọng đến chất lượng tăng trưởng". Còn theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, để đảm bảo đất nước phát triển thì phải có thể chế để huy động các nguồn lực xã hội. Hiện nay, Chính phủ đang đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo. Doanh nghiệp thành lập nhiều, đầu tư nhiều hơn, môi trường kinh doanh tốt lên thì người dân sẵn sàng bỏ vốn ra để đầu tư kinh doanh. Chính vì vậy, tái cơ cấu đầu tư công phải nằm trong tái cơ cấu thu chi ngân sách và đảm bảo bền vững, an toàn của nợ công. Muốn như thế, ngân sách Nhà nước chỉ đầu tư vào vấn đề thiết yếu và quan trọng, phấn đấu để tỷ trọng đầu tư công trong tổng đầu tư toàn xã hội giảm xuống, đặc biệt, hiệu quả đầu tư phải tăng lên. Đó là hai mục tiêu đặt ra trong tái cơ cấu đầu tư công, cũng như tái cơ cấu nền kinh tế trong thời gian tới.
Theo chương trình, trong tuần làm việc tiếp theo, Quốc hội sẽ dành thời gian để thảo luận cho ý kiến về một số dự án luật quan trọng như: Luật Đấu giá tài sản, Luật Tín ngưỡng tôn giáo, Luật về hội, nghe Báo cáo về tình hình Biển Đông, một số báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật năm 2016, công tác thi hành án và báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016./.