Nhiều giải pháp hỗ trợ phục hồi sản xuất
Hàng loạt máy móc bị hư hỏng nặng sau trận ngập lụt vừa qua, HTX In Quảng cáo, Truyền thông và Sự kiện Xứ Trà đang phải chấp nhận bỏ ra một khoản tiền rất lớn để khôi phục sản xuất. Chỉ riêng chiếc máy in công nghệ cao để vận hành trở lại, chi phí sửa chữa cũng lên tới hàng trăm triệu.
HTX In Quảng cáo, Truyền thông và Sự kiện Xứ Trà đang khẩn trương khắc phục để sớm đi vào sản xuất. |
Chị Lê Thị Oanh, Giám đốc HTX In Quảng cáo, Truyền thông và Sự kiện Xứ Trà cho biết: "Chúng tôi vừa mới mua máy từ tháng 10/2023, máy giá trên 1 tỷ đồng, bây giờ sửa chữa mất nhiều thời gian và chi phí rất cao".
Mong muốn hỗ trợ nguồn lực để sớm phục hồi, cũng là nỗi niềm chung của hơn 30 hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên bị ảnh hưởng và thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão. Chủ động huy động nguồn lực và các nguồn vốn hợp pháp để khẩn trương hỗ trợ sản xuất, ngay trong tháng 10 này, nguồn Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh sẽ được giải ngân. Mức lãi suất giảm từ 6,3% xuống 5,5% để tạo điều kiện cho các đơn vị tiếp cận nguồn lực.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên thông tin: "Theo thống kê hiện nay có trên 30 HTX xã bị ảnh hưởng gồm các HTX nông nghiệp và phi nông nghiệp bị thiệt hại nặng, chúng tôi cũng đã hạ lãi suất tối đa của quỹ hỗ trợ phát triển HTX và đã có văn bản gửi đến các hợp xã có nhu cầu vay vốn để trong tháng 10 này giải ngân giúp các họ ổn định sản xuất".
Một hội nghị hướng dẫn chính sách Thuế vừa được Chi cục Thuế TP Thái Nguyên tổ chức với sự có mặt của hơn 100 doanh nghiệp trên địa bàn. Việc tuyên truyền và hỗ trợ kịp thời ở thời điểm này sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính để tái đầu tư cơ sở vật chất và trang trải các chi phí đầu vào cho sản xuất, kinh doanh.
Hội nghị hướng dẫn pháp luật về miễn, giảm, gia hạn thuế, chính sách thuế cho người nộp thuế bị ảnh hưởng do gặp thiên tai. |
Ông Đỗ Xuân Tám, Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP Thái Nguyên cho biết: "Qua đánh giá sơ bộ thì ảnh hưởng của thu ngân sách từ khối doanh nghiệp giảm đến khoảng 36 tỷ của năm 2024, tuy nhiên khi thực hiện giúp doanh nghiệp làm hồ sơ thủ tục để được hưởng các chính sách do bị ảnh hưởng thiên tai, doanh nghiệp cũng sẽ được giảm nhiều chính sách như được gia hạn nộp thuế, được miễn một số khoản thuế".
Tranh thủ thời gian, đưa sản xuất kinh doanh trở lại sớm nhất. Đây là giải pháp hữu hiệu để có thể bù đắp được cho những thiệt hại mà cơn bão gây ra. Có thể nói, tác động từ nhiều giải pháp sẽ góp phần “trợ lực” để doanh nghiệp đẩy nhanh phục hồi, không để đứt gãy sản xuất.
Bà Ngô Thị Mai, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Đào tạo Mai Ngọc: "Chúng tôi mong tiếp tục được giãn thuế, giảm thuế cho doanh nghiệp, và mong Nhà nước có cơ chế giãn nợ, giảm lãi suất, đưa ra các chính sách ưu đãi mới như các gói cho vay hợp lý để doanh nghiệp có thể duy trì và khắc phục thiệt hại".
Việc duy trì sản xuất liên tục, có ý nghĩa quan trọng đối với không chỉ mỗi một người lao động với các doanh nghiệp mà còn với cả nền kinh tế. Mục tiêu tăng trưởng (GRDP) đạt 7,5%, tỉnh Thái Nguyên đang thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp. Chính vì vậy, cùng với các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và tỉnh thì sự chủ động, khả năng tự phục hồi của doanh nghiệp cũng là yếu tố quan trọng, tạo sức bật để góp phần vào đà tăng trưởng chung./.