Nhà mạng không dẹp được SIM rác, tin rác thì phải thay người đứng đầu
Bộ TT&TT kiên quyết xử lý tin rác, SIM rác. |
“Quản lý SIM rác, tin rác Bộ TT&TT thống nhất sẽ phải xử lý kiên quyết, trong đó doanh nghiệp di động phải chịu trách nhiệm chính, nhà nước cấp đầu số cho doanh nghiệp kinh doanh, doanh nghiệp phải có biện pháp quản lý. Nếu không làm được mà để tin rác, SIM rác tồn tại, doanh nghiệp phải thay người đúng đầu”, đó là lời khẳng định của Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn tại hội thảo chuyên đề về "Quản lý báo chí, thông tin điện tử và viễn thông trong tình hình mới" do Bộ TT&TT vừa tổ chức.
Bộ trưởng cho biết, Bộ TT&TT đang sửa đổi văn bản quản lý theo hướng tăng quyền, tăng trách nhiệm, tăng chế tài xử phạt các doanh nghiệp viễn thông. Các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm ngăn chặn không phải tin rác mà còn phải hạn chế cả gọi điện thoại rác. Bộ trưởng nêu ra tình trạng gọi điện tiếp thị, quảng cáo mời mọc gây phiền nhiễu cho người dùng di động xảy ra khá phổ biến. Ngay cả Bộ trưởng cũng nhận được không ít cuộc gọi tiếp thị, mời chào, giới thiệu dự án, dịch vụ không mong muốn.
Trước băn khoăn về xử lý điện thoại rác có được không? Bộ trưởng cho rằng, khó nhưng vẫn có cách xử lý được. Người bị quấy rầy cung cấp cho nhà mạng số điện thoại gọi, thời điểm gọi, nội dung cuộc gọi doanh nghiệp kiểm tra thấy chính xác thì khóa số điện thoại đó. Muốn giải quyết được vấn nạn SIM rác, tin nhắn rác phải làm kiên quyết, vừa tăng chế tài xử phạt, vừa có chính sách thúc đẩy thuê bao trả sau, quản lý chặt chẽ thuê bao trả trước. Nhà mạng phải có chính sách tạo điều kiện ưu đãi thuê bao trả sau, khuyến khích người dùng trả trước chuyển sang dùng thuê bao trả sau.
“Chúng ta phải làm mọi cách để người sử dụng dịch vụ viễn thông không bị phiền nhiễu”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói.
Để hạn chế được tình trạng phát tán tin rác, xử lý SIM rác tất cần sự chung tay, góp sức của các địa phương, Bộ trưởng đề nghị các Sở TT&TT hiệp đồng tác chiến với các đơn vị của Bộ một cách chặt chẽ trong tiếp nhận ý kiến của doanh nghiệp và địa phương. Cơ quan nhà nước phải luôn cầu thị lắng nghe và thấu hiểu, khi phát hiện sự việc thì xử lý phải ngay và luôn, không kể thứ 7 và Chủ nhật. Các địa phương cần chung tay chung sức với Bộ TT&TT để làm tốt công tác quản lý, lấy lại lòng tin của người dân, khách hàng.
Tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2017 của Bộ TT&TT ngày 23/12/2016, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết, trong những tháng cuối năm, công tác quản lý thuê bao trả trước, ngăn chặn SIM rác, khuyến mại đã được Bộ TT&TT triển khai quyết liệt bằng nhiều biện pháp, hình thức khác nhau. Bước đầu, các nỗ lực này đem lại một số kết quả nhất định: phát hiện 12 triệu SIM thuê bao kích hoạt sẵn trên kênh phân phối mà chưa có thông tin chính xác, gần 600 nghìn thuê bao đi đăng ký lại, hơn 11 triệu thuê bao bị khóa tài khoản.
Bộ trưởng cho rằng, mặc dù công tác quản lý nhà nước được thắt chặt nhưng các doanh nghiệp viễn thông chưa chấp hành nghiêm kỷ luật về giá, khuyến mại trong cạnh tranh. Một số doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng trên điện thoại di động có thu cước nhưng vẫn không thông báo đầy đủ cho người tiêu dùng, chưa làm hết trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi hợp tác với các doanh nghiệp nội dung.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, nhiệm vụ năm 2017, Bộ TT&TT sẽ quản lý chặt hoạt động cạnh tranh, khuyến mại, giá cước, chất lượng dịch vụ để bảo đảm quyền lợi người sử dụng dịch vụ viễn thông. Triển khai Đề án cung cấp dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao và kế hoạch chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định. Bộ TT&T tiếp tục tăng cường các biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, mua bán lưu thông SIM di động sai quy định; xây dựng các chính sách thúc đẩy sự phát triển thuê bao di động trả sau.
Ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông cũng cho biết, gần đây rất nhiều địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, Phú Yên, Bình Phước, Lâm Đồng… đã tổ chức cho các chi nhánh các doanh nghiệp viễn thông ký cam kết thu hồi SIM kích hoạt sẵn. Kết quả, giai đoạn 1 của đợt thu hồi đã khóa gần 11 triệu SIM có dấu hiệu kích hoạt sẵn và dự kiến kết thúc giai đoạn 2 có khoảng 15 triệu SIM.
Sau 2 đợt thu hồi SIM kích hoạt sẵn, Cục Viễn thông, Thanh tra Bộ TT&TT, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam sẽ tổ chức họp cùng các doanh nghiệp, Sở TT&TT để đánh giá những mặt được, chưa được qua công tác thu hồi, những vướng mắc trong thực tế. Bộ TT&TT sẽ tiếp tục tăng cường thanh kiểm tra thực hiện thu hồi. Sau đợt 1 có 600.000 thuê bao đăng ký lại. Nhưng qua phát hiện của Bộ và của chính các doanh nghiệp viễn thông, việc đăng ký thuê bao chưa hoàn toàn chính xác, do nhiều kênh phân phối sử dụng đăng ký theo cách khác để cố giữ lại SIM.
Theo phân tích của Cục trưởng Cục Viễn thông, SIM kích hoạt sẵn hoặc đăng ký không đúng tên người dùng hiện lại nằm nhiều ở người sử dụng, chứ không phải ở các kênh phân phối và đại lý SIM. Đồng thời gốc rễ của tin nhắn rác cũng từ việc được nhận nhiều khuyến mãi. Trong khi đó, người dùng trả sau thường đăng ký thông tin chính xác và không phải là đối tượng phát tán tin nhắn rác. Vì thế, Cục Viễn thông kiến nghị cần có chính sách khuyến khích phát triển thuê bao trả sau, tăng khuyến mãi cho đối tượng này và giảm khuyến mãi cho thuê bao trả trước để tỷ lệ thuê bao trả trước ít đi. Nếu Nhà nước đưa ra hạn mức khuyến mãi buộc doanh nghiệp phải tuân thủ, nếu không sẽ bị xử lý nặng hơn hiện nay, thậm chí sẽ bị truy thu doanh thu.
“Quản lý SIM rác, tin rác Bộ TT&TT thống nhất sẽ phải xử lý kiên quyết, trong đó doanh nghiệp di động phải chịu trách nhiệm chính, nhà nước cấp đầu số cho doanh nghiệp kinh doanh, doanh nghiệp phải có biện pháp quản lý. Nếu không làm được mà để tin rác, sim rác tồn tại, doanh nghiệp phải thay người đúng đầu”, đó là lời khẳng định của Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn.