Nguy cơ kịch chiến giữa Mỹ và Iran
Ngày 13/5, Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran cho biết, nước này có thể rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) nếu vấn đề hạt nhân của Iran bị đưa ra thảo luận lại tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Đây là động thái tiếp theo của Iran sau những căng thẳng gần đây giữa nước này với Mỹ khiến khu vực Vùng Vịnh rơi vào tình trạng nguy hiểm.
Cờ Iran (trái) và cờ Mỹ. Ảnh: KTIC Radio |
Theo ông Behrouz Kamalvandi, người phát ngôn Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran, nước này có thể thực thi một số biện pháp khác nhau, bao gồm cả việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015, nếu vấn đề hạt nhân của nước này bị đưa trở lại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ông Kamalvandi nhấn mạnh, khi đó thỏa thuận này sẽ bị chấm dứt và không còn tồn tại nữa.
Người phát ngôn Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran lưu ý rằng, quyết định đình chỉ một số cam kết tự nguyện trong thỏa thuận hạt nhân của Iran nhằm tạo điều kiện để phía châu Âu có thời gian tuân thủ các nghĩa vụ cam kết của mình và đưa thỏa thuận quốc tế này trở lại lộ trình đúng hướng.
Trước đó, ngày 8/5, Tổng thống Iran Hassan Rouhani thông báo sau 60 ngày, Iran sẽ "thu hẹp" việc thực hiện các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, cụ thể là sẽ tăng mức độ làm giàu urani. Đây cũng chính là thời hạn mà Iran yêu cầu các nước còn lại tham gia thỏa thuận gồm Anh, Trung Quốc, Nga, Pháp và Đức phải thực hiện cam kết liên quan đến lĩnh vực dầu mỏ và ngân hàng để phá vỡ các lệnh trừng phạt của Mỹ và thúc đẩy thương mại.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cáo buộc Mỹ đã làm leo thang tình hình căng thẳng tại khu vực: “Thật không may, Mỹ đã làm leo thang tình hình một cách không cần thiết. Chúng tôi không tìm cách làm leo thang căng thẳng nhưng chúng tôi luôn tự bảo vệ mình”.
Những động thái này được cho là phản ứng của Iran trước những căng thẳng giữa nước này với Mỹ liên tục leo thang trong thời gian gần đây. Bởi trước đó, Tổng thống Mỹ Trump cảnh báo, Iran sẽ hứng chịu hậu quả thảm khốc nếu tấn công vào các lợi ích của Mỹ tại vùng Vịnh.
Theo hãng tin Reuters của Anh, Lầu Năm Góc đã triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay, tàu khu trục và tàu tuần dương cùng một tổ hợp tên lửa Patriot, một đơn vị thủy quân lục chiến cùng các chiến đấu cơ như máy bay ném bom hạt nhân B-52 đến khu vực Trung Đông.
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton nhấn mạnh, sự hiện diện quân sự tăng cường của Mỹ ở khu vực là “thông điệp rõ ràng và kiên định” gửi tới Iran cũng như nhằm ngăn chặn mọi mối đe dọa. Còn đại diện đặc biệt của Mỹ về vấn đề Iran, ông Brian Hook cho rằng, "Iran sẽ phải chịu trách nhiệm" với những hành động của mình trong thời gian gần đây.
Ông Brian Hook cũng nhấn mạnh: “Nếu nói chuyện mà giải quyết được vấn đề thì chúng tôi đã làm được điều này từ cách đây hàng thập kỷ. Nhưng đối với Iran thì chỉ có cách gây sức ép về kinh tế và cô lập về ngoại giao. Chúng tôi sẽ duy trì chiến lược này vì nó sẽ giúp giảm leo thang các mối đe dọa”.
Trước tình hình căng thẳng không ngừng leo thang giữa Mỹ và Iran, ngày 13/5, người phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu, bà Mogherini cùng ngoại trưởng các nước Anh, Pháp và Đức (các nước đã tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran) đã có cuộc họp đặc biệt nhằm thảo luận về vấn đề Iran bên lề hội nghị Ngoại trưởng EU tại Brusells (Bỉ). Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU nêu rõ, các bên hiện đang có những khác biệt lớn với Iran về sự phát triển khu vực và đối thoại là cách tốt nhất để giải quyết những vấn đề này.
Bà Mogherini khẳng định, EU hoàn toàn ủng hộ thỏa thuận hạt nhân quốc tế với Iran và mong muốn các cường quốc tránh làm leo thang thêm căng thẳng. Bà cũng nhấn mạnh, EU sẽ tiếp tục ủng hộ thỏa thuận hết mức có thể bằng mọi công cụ và tất cả ý chí chính trị của các bên tham gia ký kết.
Tuần trước, các nước châu Âu tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran đã khẳng định muốn bảo toàn thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) ký với Iran hồi năm 2015 và bác bỏ mọi "tối hậu thư" từ Iran sau khi nước Cộng hòa Hồi giáo này điều chỉnh một số biện pháp hạn chế chương trình hạt nhân, dù vẫn duy trì tuân thủ văn kiện./.