NGƯT Nguyễn Ngọc Ký: Cần nâng tầm tinh túy, chuẩn mực đề thi THPT Quốc gia
Nhà giáo ưu tú (NGƯT) Nguyễn Ngọc Ký đánh giá kỳ thi THPT Quốc gia 2017 có nhiều đổi mới, tương đối phù hợp và hiện đại. Mừng nhất là năm nay không còn cảnh phụ huynh từ vất vả “khăn gói quả mướp” cùng các con “lai kinh ứng thí”. Thời gian thi nhanh, gọn gàng hơn mọi năm.
“Qua một số học sinh, tôi cũng nghe các em chia sẻ rằng trước khi thi có căng thẳng nhưng thi xong cũng thấy thoải mái. Tuy nhiên, việc thi liên tục 3 môn học (trong Tổ hợp Khoa học xã hội hoặc Tổ hợp Khoa học tự nhiên), mỗi môn 50 phút trong một buổi sáng khiến nhiều em học sinh cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng”, NGƯT Nguyễn Ngọc Ký chia sẻ.
Thêm nữa, kỳ thi THPT quốc gia năm nay có vẻ đơn giản hơn mọi năm nhưng kiến thức vẫn bao trùm hơi rộng, làm học sinh áp lực: “Tôi cho rằng tới đây Bộ nên giới hạn kiến thức cơ bản ở từng phân môn (trong môn tổ hợp), cô đọng kiến thức vào những phần trọng tâm trọng điểm nhất để học sinh bớt vất vả vì phải ôn luyện bao quát toàn bộ kiến thức trải dài từ lớp 6-12 trong thời gian ngắn”.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký. (Ảnh: Lệ Thu) |
Đặc biệt, NGƯT Nguyễn Ngọc Ký góp ý về khâu tổ chức ra đề. Theo ông, đây là đề thi quốc gia với mục đích “hai trong một” cực kỳ quan trọng. “Vì vậy chuyện tinh túy và chuẩn mực cần phải nâng lên một tầm nữa, tuyệt đối không được sai sót”, ông nêu quan điểm.
Đề thi cần kết hợp vừa kiểm tra kiến thức sách vở, vừa kiểm tra kỹ năng, vừa phân loại được học trò. Để đạt được mục tiêu đó là việc khó và vất vả nhưng không thể vì thế mà chúng ta làm hời hợt.
Bộ phận ra đề, bộ phận khảo thí có nhiệm vụ hết sức quan trọng, cần làm việc khoa học, nghiêm túc, bám sát yêu cầu của kỳ thi hơn nữa. “Không thể trả lời chúng tôi làm nhiều việc quá, trong thời gian ngắn và gấp nên dẫn đến sai sót. Sai thì phải chịu trách nhiệm và nghiêm túc rút kinh nghiệm chứ không thể đổ vạ cho ai cả”, thầy Ký nhấn mạnh.
PGS Văn Như Cương: “Môn Toán nên thi hình thức tự luận”
“Tạm ổn” là nhận xét của PGS Văn Như Cương về kỳ thi THPT Quốc gia 2017. Theo ông, một số khuyết điểm của các năm trước đã được khắc phục. Điển hình là việc mỗi tỉnh có một hội đồng thi do Sở GD&ĐT chủ trì giúp học sinh, phụ huynh giảm công sức, thời gian đi lại rất nhiều.
“Kết quả ngày hôm nay là do quá trình góp ý rất nhiều của đông đảo nhân dân, phụ huynh, nhà giáo cả nước. Tuy nhiên, kỳ thi quốc gia vẫn còn một số điểm nên điều chỉnh”, PGS Văn Như Cương nói.
Cụ thể, môn Toán thi theo hình thức trắc nghiệm 100% liệu có thực sự tối ưu? “Học Toán không chỉ là công thức, biết cách tính toán ra kết quả mà còn để suy luận, lập luận và mọi học sinh đều phải học Toán. Tôi nghĩ, trong khi môn Toán chúng ta có thể thi kết hợp tự luận được lại không làm, điều đó nhằm kiểm tra kỹ năng, kiến thức của học sinh toàn diện”.
Thứ hai, tính liên kết giữa các phân môn trong môn Tổ hợp (ví dụ Hóa, Lý, Sinh trong tổ hợp Khoa học tự nhiên) đúng là tổ hợp chứ không phải tích hợp. Đó là sự lắp ghép cơ học để thi cho nhanh xong.
Theo thầy Văn Như Cương, điều đó gần như không khác việc thi 3 môn riêng lẻ và việc thí sinh phải thi 3 môn liên tục - chuyển từ tư duy môn học này sang môn học kia mà chỉ nghỉ 10 phút sẽ bị áp lực, mệt mỏi. Và thí sinh vẫn lo lắng nếu bị liệt điểm một trong 3 môn thì ảnh hưởng đến kết quả như kỳ thi các năm trước đây.
PGS Văn Như Cương. |
Ông cũng cho rầng, việc làm cho 24 mã đề có độ khó đồng đều như nhau là chuyện cực kì khó khăn và việc kiểm tra học sinh cùng một kỳ thi ở các đơn vị khác nhau dễ gây ra băn khoăn không đồng đều/ngang bằng về kiến thức.
Theo thầy Cương, giải quyết bài Toán “độ vênh” khó dễ giữa các mã đề có thể chỉ cần 3 bài thi gốc với các câu hỏi tương tự như nhau. Để đảm bảo tránh quay cóp, tiêu cực thì ban ra đề không những tráo thứ tự câu hỏi mà tráo cả thứ tự đáp áp. Đó có thể là một giải pháp giúp các đề thi vừa kiểm tra kiến thức giống nhau, vừa ngăn giảm tiêu cực trong làm bài và quan trọng, không quá khó khăn để thực hiện.
Cũng liên quan đến khâu ra đề dư luận có tranh cãi xoay quanh đề thi môn Văn. “Tôi không dạy Văn nhưng cả đời trong sinh hoạt chưa nói đến chữ thấu cảm; sách vở, từ điển cũng không có từ này. Vậy tại sao bộ phận ra đề lại đưa cụm từ này vào thi, các em học sinh chưa trải nghiệm nhiều làm sao hiểu làm chính xác?”, PGS Văn Như Cương trăn trở.
Theo PGS Văn Như Cương, những năm tới kỳ thi cần phát huy điểm tích cực và cẩn trọng, đầu tư hơn nữa nhằm hoàn thiện, đặc biệt ở khâu ra đề.