Cơn “địa chấn” gian lận điểm thi năm 2018: Những con số gây sốc
Chỉ mất 6 giây để sửa một bài thi
Vụ việc gian lận điểm thi của năm 2018 được cho là nghiêm trọng nhất, sau nhiều năm Bộ GD&ĐT tổ chức thi cử.
Khi các vụ gian lận điểm thi ở một số tỉnh miền núi phía Bắc được phát hiện trong năm 2018, nhiều người bàng hoàng bởi những con số vi phạm.
Chẳng hạn, ông Vũ Trọng Lương (Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Giang) chỉ mất 6 giây để hoàn thành việc sửa điểm thi THPT quốc gia cho mỗi bài thi.
Đây cũng là địa phương có số thí sinh và bài thi được nâng điểm cao nhất. Tổng cộng có 114 thí sinh với 330 bài thi của Hà Giang được nâng điểm ít nhất từ 1,0 đến cao nhất là 8,75 điểm.
Ông Vũ Trọng Lương (Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Giang) chỉ mất 6 giây để hoàn thành việc sửa điểm thi THPT quốc gia cho mỗi bài thi. |
Con số 330 bài thi của 114 thí sinh bị chỉnh sửa điểm khiến nhiều người bàng hoàng và sốc. Trong số đó, không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Cá biệt, có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm thật.
“Em thấy niềm tin như bị sụp đổ, thương hàng triệu giáo viên còng lưng dạy, hàng vạn học sinh đã nỗ lực học tập .… Trong khi các bạn khác, được nâng hàng chục điểm chỉ trong tích tắc.
Rồi đây, thầy cô sẽ nói với học sinh thế nào về động lực học tập, về nỗ lực vượt qua những kỳ thi, về sự trung thực, về sự tử tế... khi mà việc nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia lại diễn ra một cách khó tin đến tàn nhẫn”, một phóng viên chia sẻ.
Như vậy, tính tổng cộng, cả Hà Giang và Sơn La, có 347 bài thi bị can thiệp điểm được phát hiện. Nhiều bài thi trắc nghiệm ở Sơn La và Hòa Bình có dấu hiệu bị tẩy xóa nhưng không khôi phục được bài gốc.
Số học sinh đã bị xử lý là 151, trong đó Hà Giang 114; Sơn La 29; Lạng Sơn 8.
Có 11 cán bộ bị khởi tố, bắt tạm giam trong vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018. Trong đó, có hai cán bộ Sở GD&ĐT Hà Giang, 6 người ở Sơn La và ba người ở Hòa Bình.
Mặc dù những người vi phạm đã bị bắt giữ, vụ việc đã được khởi tố nhưng điều mà xã hội cảm thấy đau xót là những vụ việc gian lận, làm thay đổi điểm số bài thi của thí sinh đều liên quan đến những người làm trong ngành Giáo dục.
Họ đã từng đứng trên bục giảng, công tác và quản lý trong ngành nhưng đã làm mất đi hình ảnh đẹp mà bao thầy cô giáo chân chính đã gầy dựng.
Ông Nguyễn Quang Vinh - Trưởng phòng khảo thí & Kiểm định Chất lượng giáo dục- Sở Giáo dục & Đào tạo Hòa Bình (áo trắng bên phải), một trong số 11 người bị bắt tạm giam vì liên quan đến gian lận thi cử (Ảnh: Mỹ Hà). |
“Chỉ tên” 5 nguyên nhân gian lận
Những con số "gây sốc" trên đây, về gian lận thi cử bị đưa ra ánh sáng, thực sự gây choáng váng, bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin về một kỳ thi công bằng, nghiêm túc và minh bạch.
Nhiều người đánh giá, đây là vụ gian lận có một không hai. Khi bao sĩ tử vẫn đang học ngày cày đêm cố kiếm từng con điểm nhỏ sau dấu phẩy thì quả là những điểm số bị “phù phép” này, khiến bao khát vọng, ý chí, động lực của các em bị lung lay.
Nguyên nhân của việc gian lận này, dư luận và giới chuyên môn cho rằng, không chỉ “con sâu làm rầu nồi canh” mà có cả một đường dây nâng điểm và gian lận thi cử.
Mới đây, trong Báo cáo kết quả khảo sát về kì thi THPT quốc gia năm 2018, của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chỉ rõ, nguyên nhân của việc gian lận này. Theo Ủy ban, Bộ GD&ĐT phải thẳng thắn thừa nhận để rút kinh nghiệm cho các kì thi tới.
Cụ thể, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã chỉ ra, công tác chỉ đạo, triển khai tổ chức thi, của Bộ GD&ĐT còn một số hạn chế.
Nguyên nhân gian lận điểm thi, một phần do công tác chỉ đạo, triển khai tổ chức thi của Bộ GD&ĐT còn một số hạn chế. |
Thứ nhất, việc thực hiện một kỳ thi chung với 2 mục tiêu vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa làm căn cứ để tuyển sinh ĐH, CĐ là một việc rất khó đối với khâu biên soạn đề thi. Việc xây dựng ngân hàng câu hỏi đòi hỏi thời gian chuẩn bị công phu với các quy trình và nội dung chặt chẽ, căn cơ, nhưng việc thực hiện đã nóng vội.
Thứ hai, thiếu ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hoá; đề thi chưa được thử nghiệm một cách khoa học và rộng rãi, chưa tính đến độ trễ trong thử nghiệm nên ảnh hưởng tới tính bảo mật cùng chất lượng đề thi.
Thứ ba, việc xây dựng ngân hàng đề thi chuẩn hóa đòi hỏi phải có đội ngũ chuyên gia biên soạn câu hỏi thi chuyên nghiệp (cả về chuyên môn và khoa học khảo thí). Kết quả thi đặt yêu cầu xây dựng đội ngũ chuyên gia biên soạn câu hỏi trắc nghiệm khách quan, xây dựng đề, cân đề.
Thứ tư, các điều kiện bảo đảm về cơ sở vật chất, trang thiết bị, công nghệ cho kì thi ở nhiều địa phương còn hạn chế; đặc biệt phần mềm để sử dụng cho việc chấm thi có lỗi đã gây hậu quả nghiêm trọng (cần được Bộ GD&ĐT xem xét thấu đáo vấn đề này).
Thứ năm, sự phối hợp trong tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát kỳ thi thiếu chặt chẽ ở một số địa phương; Quy chế thi một số nơi thực hiện chưa nghiêm túc; việc xử lý sai phạm chưa đủ sức răn đe trước những tiêu cực gần đây. Mặt khác, cơ chế tổ chức thi và chấm thi chưa phù hợp.
Đây chính là kẽ hở để phát sinh tiêu cực, sai phạm nghiêm trọng tại các địa phương, ảnh hưởng tới chất lượng tuyển sinh của các trường đại học.