Ngoại giao kinh tế tạo đà bứt phá cho tăng trưởng
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên tham dự tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ có đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. |
Thực hiện chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, công tác ngoại giao kinh tế năm 2024 đã được đẩy mạnh một cách bài bản, quyết liệt, hiệu quả. Trong gần 60 hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo chủ chốt Đảng, Nhà nước, nội dung kinh tế đã trở thành trọng tâm, mang lại các kết quả cụ thể, thực chất. Quan hệ đối ngoại của Việt Nam tiếp tục được mở rộng, nâng tầm, nâng cấp. Hoạt động ngoại giao kinh tế, nhất là ngoại giao công nghệ, ngoại giao bán dẫn, đổi mới sáng tạo… được thúc đẩy với các đối tác chủ chốt, các tập đoàn lớn. Việt Nam nâng tổng số các hiệp định thương mại tự do (FTA) ký kết và tham gia lên 17; đẩy mạnh triển khai các FTA đã ký kết, tích cực tháo gỡ các rào cản thị trường, góp phần phục hồi và tăng trưởng xuất khẩu... Lãnh đạo các tổ chức quốc tế và chuyên gia đánh giá cao thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và ấn tượng với tăng trưởng năm 2024 của Việt Nam; coi Việt Nam là hình mẫu trong hợp tác và tin tưởng vào triển vọng phát triển kinh tế của nước ta.
Phát biểu tham luận tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ, đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: Năm 2024, cùng với cả nước, Thái Nguyên đã không ngừng nỗ lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhất là trong hoạt động ngoại giao kinh tế với hiệu quả tích cực từ các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại tại nhiều quốc gia trên thế giới như: Anh, Đức, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc...; hoạt động kinh tế đối ngoại được tỉnh chú trọng triển khai, góp phần nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài với 27 dự án FDI được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và gia tăng 6,5% tổng giá trị xuất - nhập khẩu hàng hóa so với năm 2023... Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đặc biệt quan tâm và nhấn mạnh tới hoạt động ngoại giao kinh tế trà với những phân tích cụ thể về tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam trong lĩnh vực này. Đồng thời, đề xuất các giải pháp hỗ trợ nhằm thúc đẩy hoạt động ngoại giao kinh tế trà của tỉnh Thái Nguyên trong năm 2025, như: mong muốn nhận được chia sẻ về bài học kinh nghiệm xuất khẩu trà và hỗ trợ tiếp cận xuất khẩu trà sang 2 thị trường lớn là Nga và Pakistan. Đồng chí cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan hỗ trợ Thái Nguyên lựa chọn cây giống phù hợp và kỹ thuật canh tác mới nhất; cùng với đó là việc mang công nghệ số vào cây chè để gia tăng giá trị xuất khẩu. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết: Thái Nguyên sẵn sàng tư vấn và đồng hành, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị thiết kế không gian tiếp khách trong nước và quốc tế mang đậm nét văn hóa Trà Việt.
Điểm cầu tỉnh Thái Nguyên. |
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Ngoại giao kinh tế là động lực mới, quan trọng và yêu cầu làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống như: xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như: kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn... đẩy mạnh hoạt động ngoại giao trên các lĩnh vực theo tinh thần “3 rõ”: kết quả rõ, sản phẩm rõ, đóng góp rõ cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo đà bứt phá cho tăng trưởng, thực hiện thắng lợi các mục tiêu của giai đoạn 2021-2025; củng cố nền tảng cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.