Hoàng Sa trời nước mênh mông
Người đi thì có mà không thấy về
Hoàng Sa mây nước bốn bề
Tháng 3 khao lề thế lính Hoàng Sa...
Văn tế này vừa xướng lên tại Lễ hội dân gian tri ân những hùng binh Hoàng Sa ở đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Cùng với Lễ hội dân gian, những Nhà trưng bày, Tượng đài, Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa đã và đang được xây dựng thể hiện tấm lòng, nghĩa tình của người dân trong và ngoài nước với Hoàng Sa.
Viên đá Khu Tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa (Ảnh: Vinh Thông) |
Lần đầu tiên bước lên tàu ra đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, 73 tuổi ở quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh nôn nao trong lòng. Sức khỏe yếu, nói được vài câu, bà Thanh lại ho dữ dội. Bà cố rướn người nhìn qua ô cửa kính của chiếc tàu khách nhìn xa xăm ra biển. Bà Thanh bảo rằng, sau hơn 42 năm từ ngày chồng chết trong trận hải chiến Hoàng Sa, bà vẫn nhớ lời hẹn hò lần cuối.
Chuyến đi lần ấy, ông hẹn ngày về ăn tết cùng vợ con. Vậy mà, ông đi luôn. Cũng ngần ấy thời gian, vào những ngày cận tết, cảm giác buồn đau và bất an lại trỗi dậy trong lòng bà. Khi mang thai đứa con thứ hai được 2 tháng thì chồng bà vĩnh viễn nằm lại giữa biển khơi. Thương chồng, nặng tình với biển, bà Thanh đặt tên con là Nguyễn Thanh Triết, tự Hoàng Sa.
“Hồi đó ba nó mất, con cái cũng buồn, thiếu đi tình thương của cha. Thiếu vắng bóng người đàn ông mình thấy hụt hẫng lắm, lặng lẽ sống thôi. Cực lắm, vất vả vật chất đã đành, nhưng thiếu tình thương, thiếu sự chỉ dạy cứng rắn của người cha chỉ lo các con hư, nhưng may mà tụi nó rất ngoan”, bà Thanh nhớ lại.
Đặt chân lên đảo Lý Sơn, bà Thanh cảm nhận Hoàng Sa gần lắm. Đến thăm công trình Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa, bà Thanh thêm ấm lòng. Không chỉ riêng bà mà những ai có người thân nằm lại Hoàng Sa cũng cảm thấy được an ủi phần nào khi những mất mát, đau thương được mọi người tưởng nhớ, ghi nhận bằng tấm lòng và việc làm cụ thể.
Những người dân trên đảo Lý Sơn càng tự hào về cha ông mình. Ông Phạm Thoại Tuyền, hậu duệ đời thứ 3 của dòng họ Phạm, luôn nhắc nhở con cháu gìn giữ tình yêu quê hương: “Ghi nhận công lao của các vị hùng binh Hoàng Sa năm xưa và đồng thời cũng giáo dục cho đời sau biết rằng, Hoàng Sa là máu thịt của Việt Nam mà chúng ta không được phép quên”.
Đình làng An Hải, Lý Sơn (Ảnh: Hà Thành) |
Đình làng An Hải, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi hiện còn lưu giữ nhiều tài liệu minh chứng quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Cũng tại nơi này, để tri ân những nghĩa sĩ đã vong thân vì chủ quyền đất nước, Cụm tượng đài Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải được xây dựng sừng sững uy nghi, nhìn thẳng ra Hoàng Sa.
Mới đây, triệu triệu người dân nước Việt chung tay góp sức xây dựng Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa trên núi Thới Lới, huyện đảo Lý Sơn. Công trình được thể hiện bằng hình tượng “Người mẹ thắp lửa”, như một công viên văn hóa tâm linh để đồng bào cả nước về thăm viếng, ngưỡng vọng, tưởng nhớ những người đã ngã xuống để bảo vệ Hoàng Sa.
Kiến trúc sư Trần Văn Dũng, tác giả công trình này lý giải: “Ngọn đèn trước ngực như lửa từ trong trái tim yêu thương của Mẹ - tưởng nhớ những người con của mình đã ở lại với Hoàng Sa và ngọn lửa cũng thắp sáng bao niềm hy vọng.
Người mẹ miền biển đứng ngóng ra phía biển Hoàng Sa, tay cầm đèn như ngọn Hải đăng. Người phụ nữ miền Trung khi chồng con bị mất ở Hoàng Sa họ ngồi trên bờ cát, bày mâm cúng vọng, thắp đèn để hồn theo mặt nước trở về. Ngọn lửa để thắp đèn mang tính hiệu triệu cao hơn, nó thắp lên tinh thần yêu nước và bảo vệ chủ quyền biển đảo”.
Khi đặt viên đá đầu tiên xây dựng Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa, 6 lọ cát mang về từ Hoàng Sa được đổ vào chân móng dưới chân tượng đài Mẹ như bồi đắp tình yêu đất nước, yêu biển cả quê hương và tri ân những người đã ngã xuống giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trăn trở: “Làm sao cho các thế hệ sau này vẫn thấy được, hiểu được rằng Hoàng Sa và Trường Sa là do tổ tiên của chúng ta phát hiện, gìn giữ cho đến nay và vẫn kiên cường bám ngư trường này đánh bắt. Để tưởng nhớ đến tổ tiên chúng ta, đội hùng binh năm xưa, những người đã phát hiện, khai phá đặt mốc chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và tưởng nhớ những người nằm lại đấy, chương trình nghĩa tình Hoàng Sa và Trường Sa tiếp tục xây dựng khu tưởng niệm nghĩa sỹ Hoàng Sa”.
“Hẹn ngày mai gặp lại Hoàng Sa”- dòng chữ được khắc dưới chân tượng đài người mẹ thắp lửa tại Khu tưởng niệm nghĩa sỹ Hoàng Sa, như một lời hẹn thề, thẳm sâu và lay động trong tâm thức mỗi người Việt Nam về lòng yêu nước. Từ những ngôi mộ gió đến Cụm tượng đài Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi hay Nhà trưng bày Hoàng Sa tại thành phố Đà Nẵng, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tại tỉnh Khánh Hòa... rất uy nghi, lừng lẫy đều có sự chung tay, góp sức của hàng triệu tấm lòng người dân nước Việt. Hành động này là khẳng định đanh thép về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thân yêu./.