Theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thái Nguyên đang triển khai 5 chương trình cho vay tín dụng chính sách hướng đến hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Cũng với tinh thần của Nghị quyết 11, các chương trình vay có lãi suất từ 6%/năm trở lên sẽ được hỗ trợ giảm lãi suất vay 2% trong 2 năm (2022 và 2023)... Không nhiều, nhưng đây sẽ là động lực để các đối tượng chính sách quyết tâm vươn lên trong cuộc sống.

Nghị quyết 11 đi vào cuộc sống
Số vốn 100 triệu đồng từ chương trình vay hỗ trợ tạo việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội là điểm tựa để anh Đặng Xuân Đăng khởi nghiệp.

Không còn việc làm do dịch COVID-19 bùng phát, anh Đặng Xuân Đăng, ở xóm Na Vùng, xã Bình Sơn, TP Sông Công buộc phải dời Hà Nội về quê. Trong lúc loay hoay với nguồn tài chính khiêm tốn của gia đình, thì số vốn 100 triệu đồng từ chương trình vay hỗ trợ tạo việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội là điểm tựa để anh khởi nghiệp. Cùng với số vốn tiết kiệm, anh Đăng đã mua được máy cày, làm chuồng trại và đầu tư con giống... đã giúp gia đình anh có thu nhập gần 100 triệu đồng trong năm 2022. Cũng nhờ chiếc máy cày nên ngoài 5 sào ruộng của gia đình, anh Đăng còn làm thêm được gần 1 mẫu ruộng của người dân bỏ không. Anh Đặng Xuân Đăng chia sẻ: "Tôi làm đơn vay vốn, vừa cày bừa vừa chăn nuôi giúp kinh tế ổn định hơn".

Nghị quyết 11 đi vào cuộc sống
Với gia đình anh Nguyễn Đình Thành thì nguồn vốn vay giải quyết việc làm theo tinh thần Nghị quyết 11 đã giúp kinh tế gia đình anh trụ vững qua thời điểm khó.

Còn đối với gia đình anh Nguyễn Đình Thành, ở xóm Đậu 8A, xã Minh Đức, thành phố Phổ Yên thì nguồn vốn vay giải quyết việc làm theo tinh thần Nghị quyết 11 của Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp kinh tế gia đình anh trụ vững qua thời điểm khó... có thêm vốn để đầu tư thức ăn chăn nuôi, nên những lứa gà xuất bán đúng thời điểm mang lại thu nhập cao. Ổn định kinh tế, đầu năm nay, anh Thành quyết định mở rộng quy mô chăn nuôi lên 5.000 con gà/lứa, dự kiến sẽ thu lãi khoảng 300 triệu đồng. Anh Nguyễn Đình Thành cho hay: "Trong lúc khó khăn có nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ thêm có thể sử dụng ngay".

Ngay sau khi tiếp cận được nguồn vốn, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thái Nguyên đã tập trung giải ngân đến các đối tượng thụ hưởng. Tính riêng năm 2022, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách giải ngân theo Nghị quyết 11 là 212 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay giải quyết việc làm là 170 tỷ đồng, vốn vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên 8,5 tỷ đồng. Các chương trình cho vay đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến, chương trình cho vay cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.... là gần 11,5 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Quang Thịnh, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Đối với chương trình thực hiện theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thái Nguyên đã phát huy hiệu quả và thực hiện theo đúng chủ trương của Đảng, Chính phủ và mục tiêu của chương trình".

Thực tế, kết quả 1 năm chưa thể đánh giá hết được hiệu quả từ chương trình, song những tín hiệu tích cực ban đầu của chương trình đang thực sự là đòn bẩy quan trọng để người nghèo và các đối tượng chính sách khác phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập./.