Nghi binh chiến lược trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968
Nghi binh lừa địch là một trong những hình thức tác chiến được tiến hành có hiệu quả nhất, nhưng cũng căng thẳng nhất, phải dồn nhiều công sức, trí tuệ nhất. Tháng 4-1967, với tư duy khoa học, sáng tạo, Bộ Tổng tham mưu đã phân tích, đánh giá tình hình nhận thấy: Tình thế và thời cơ chiến lược đã xuất hiện, chủ động báo cáo được Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương thông qua chủ trương mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Đồng thời giao Bộ Tổng tham mưu xây dựng kế hoạch nghi binh ở Mặt trận Đường 9-Khe Sanh bằng đòn đánh chính của bộ đội chủ lực nhằm thu hút, vây hãm, giam chân, kéo địch từ đô thị ra rừng núi để đánh, tạo thế cho quân và dân miền Nam đồng loạt nổi dậy tiến công địch.
Chiến sĩ Sư đoàn 304 cắm cờ trên căn cứ Động Toàn trong Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh 1968. Ảnh tư liệu (chụp tại Bảo tàng Đường 9-Quảng Trị). |
Tháng 11-1967, “Kế hoạch chiến lược năm 1968” mang mã số 694/Tg1 được Bộ Tổng tham mưu phổ biến trực tiếp cho các tư lệnh chiến trường và gửi cho Bộ tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, song đó là “kế hoạch giả”. Kế hoạch giả được chia thành 3 đợt hoạt động lớn, liên tục từ Đông-Xuân 1967-1968 đến Hè-Thu 1968 và cả dự kiến chuẩn bị cho kế hoạch Đông-Xuân 1968-1969. Bộ tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã “khéo léo” để địch biết. Mặt khác, ta phối hợp chỉ đạo các cơ quan chức năng như Bộ Ngoại giao, thông tấn, báo chí, đài phát thanh hạn chế tuyên truyền những trận đánh của ta vào các đô thị ở miền Nam. Tập trung đưa tin ở những hướng ta chủ động nghi binh thu hút địch và quy định chế độ thông báo tình hình chiến sự hằng ngày, tuần, tháng với tùy viên quân sự các nước anh em. Kế hoạch giả cốt để địch biết chủ trương của ta vừa đánh, vừa đàm, tranh thủ tìm kiếm một số thắng lợi bằng quân sự phục vụ cho đấu tranh ngoại giao. Vì thế mà địch phán đoán ta không có khả năng tạo một “Điện Biên Phủ ở miền Nam” mà vẫn phải tiếp tục đánh lâu dài, kéo dài chiến tranh sang cuối năm 1968 và cho rằng ta chỉ có khả năng tập trung lực lượng uy hiếp ở vùng chiến thuật 1. Ở thành phố, ta chỉ dùng lối đánh tập kích rồi rút. Chúng nhận định trong năm 1968, ta chủ yếu chống phá “bình định”, mở một số trận dọc biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia, đánh chiếm một số mục tiêu ở Quảng Trị, Thừa Thiên tìm cách bảo toàn lực lượng.
Từ nhận định đánh giá về ta như trên, Tư lệnh Bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở miền Nam tiếp tục xin tăng thêm quân, ráo riết chuẩn bị mở cuộc phản công chiến lược lần thứ ba trong mùa khô (1967-1968). Mặc dù có sự phản ứng quyết liệt trong chính quyền Mỹ, nhưng trước sự thúc ép của phái hiếu chiến, Tổng thống Giôn-xơn phải chấp nhận đưa thêm 1 vạn quân sang chiến trường miền Nam Việt Nam, nâng tổng số quân Mỹ từ gần nửa triệu quân cuối tháng 12-1967 đến đầu năm 1968 đã vượt quá nửa triệu quân. Tiếp tục thực hiện biện pháp chiến lược “tìm diệt” và “bình định”, giành thế chủ động trên chiến trường, giữ thế cân bằng tới kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11-1968.
Song mọi toan tính không theo như ý muốn của Mỹ, trước Tết Mậu Thân 10 ngày, bộ đội ta chủ động nổ súng ở Đường 9-Khe Sanh, khiến Mỹ hết sức bất ngờ. Địch vội dồn lực lượng ra đối phó, bởi chúng nhận định Khe Sanh là chiến trường chính của ta trong Đông-Xuân 1968-1969. Do vậy, Tổng thống Giôn-xơn liền chỉ thị ngay cho Tướng Tay-lo thành lập “phòng tình hình đặc biệt” tại Nhà trắng để theo dõi chiến sự ở Khe Sanh, chỉ thị cho Tướng Oét-mo-len phải hành động ngay, đồng thời yêu cầu Hội đồng Tham mưu liên quân Mỹ phải “ký tên bằng máu” cam kết bảo vệ Khe Sanh bằng bất cứ giá nào.
Kế hoạch nghi binh kết hợp vây hãm, kéo định ra vòng ngoài để đánh của bộ đội ta ở Đường 9-Khe Sanh, buộc địch phải căng kéo đưa lực lượng từ các đô thị ra vùng rừng núi để đối phó với ta. Trên đà thắng lợi tại Mặt trận Đường 9-Khe sanh, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thực hiện kế hoạch Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt vào đêm ngày 30-1-1968, tức đêm giao thừa Tết Mậu Thân ở miền Nam tập trung vào Huế, Sài Gòn, Đà Nẵng… Ta đánh vào hầu hết các cơ quan đầu não Trung ương, địa phương của Mỹ-chính quyền Sài Gòn, bao gồm 4 Bộ tư lệnh quân khu, quân đoàn, 8 Bộ tư lệnh sư đoàn, 30 sân bay, nhiều tổng kho lớn. Có những trận đánh gây chấn động lớn như trận đánh Tòa đại sứ Mỹ, Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu Quân đội Sài Gòn và 25 ngày đêm ta làm chủ thành phố Huế. Nhân dân hầu khắp các vùng nông thôn miền Nam có lực lượng vũ trang hỗ trợ, đã nổi dậy phá tan từng mảng kìm kẹp của chính quyền Sài Gòn ở thôn, xã giành thắng lợi.
Bài học từ kinh nghiệm xây dựng kế hoạch nghi binh giành thắng lợi lớn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã được Bộ Tổng tham mưu vận dụng trong xây dựng các kế hoạch tác chiến chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, góp phần thực hiện thắng lợi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Bài học đó đến nay vẫn giữ nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn, được lãnh đạo, chỉ huy các cấp quan tâm đưa vào chương trình giáo dục, huấn luyện bộ đội vận dụng vào xây dựng từng cơ quan, đơn vị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.