Nghệ An: Cảnh báo bùng phát bệnh tay chân miệng
Theo Ths.Bs Võ Mạnh Hùng, Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, tại khoa liên tục tiếp nhận một số bệnh nhi mắc tay chân miệng biểu hiện với các bóng nước có kích thước 2-6 mm, màu xám, hình bầu dục. Bóng nước xuất hiện lòng bàn tay, lòng bàn chân, ở vùng mông, gối, thường không đau. Bóng nước còn xuất hiện trong miệng và khi vỡ ra gây những vết loét trong miệng khiến trẻ đau, chảy nước miếng.
Hiện mỗi ngày, bệnh viện điều trị cho khoảng gần 20 trẻ bị tay chân miệng. Thống kê từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã ghi nhận 218 ca bệnh này. Tuy chưa có trường hợp tử vong, nhưng đã có một số trường hợp biến chứng nặng như viêm màng não.
Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do virus đường ruột gây ra, thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi dưới 3.
Các triệu chứng của tay chân miệng
Khi mới mắc bệnh, triệu chứng đầu tiên ở trẻ thường là sốt nhẹ, biếng ăn, mệt mỏi và thường sau sốt 1 - 2 ngày trẻ bắt đầu đau miệng, nổi ban. Ban xuất hiện trong vòng 1 - 2 ngày với các tổn thương phẳng trên da hoặc có thể gồ lên, màu đỏ và một số hình thành bọng nước thường khu trú ở lòng bàn tay, lòng bàn chân hoặc có thể xuất hiện ở mông. Có trường hợp ban xuất hiện trong miệng làm trẻ đau, quấy khóc, có trẻ bị nôn hoặc tiêu chảy. Đối với thể nhẹ thì chỉ khoảng 5 – 7 ngày là trẻ sẽ khỏi bệnh.
Tuy nhiên, một số trường hợp bị biến chứng, có thể dẫn đến viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, dẫn đến tử vong. Nếu có một trong các biểu hiện sốt cao khó hạ, giật mình chới với nhiều, run tay, run chân, đi loạng choạng, yếu liệt tay chân, khó thở phải đưa đến cơ sở y tế ngay
Cần nhập viện ngay khi
Khi trẻ các triệu chứng như khó ngủ, quấy khóc liên tục, giật mình lúc thức hay lúc bắt đầu thiu thiu ngủ, có thể hoảng hốt, nói lảm nhảm, run tay chân, co giật. Các triệu chứng khác như sốt rất cao, nôn ói nhiều, da nổi ban, mạch nhanh nhưng không sốt cao, yếu tay chân, méo miệng. Đó là các dấu hiệu nặng của bệnh tay chân miệng nếu không được phát hiện và điều trị đúng, kịp thời trẻ có thể tử vong trong vài giờ.
Cách phòng, tránh bệnh tay chân miệng
Để phòng tránh bệnh tay chân miệng, cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường hoặc Cloramin B.Thường xuyên rửa tay bằng nước và xà phòng, cho cả mẹ và bé, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh hoặc vệ sinh cho trẻ, trước và sau khi ăn. Tránh cho trẻ tiếp xúc gần với người bị tay chân miệng. Cho trẻ ăn chín, uống sôi, không cho trẻ ăn bằng tay, cắn, mút tay.