Ngành ô tô Nhật Bản tính toán thiệt hại sau siêu bão Jebi và động đất
Nhật Bản tan hoang sau siêu bão Jebi và động đất ở Hokkaido |
Ngày 4/9 vừa qua, cơn bão lớn nhất trong vòng 25 năm, với sức gió lên tới 216 km/h kèm theo mưa to, gió giật mạnh đã càn quét miền Tây Nhật Bản, cướp đi sinh mạng của ít nhất 12 người và khiến hàng trăm người khác bị thương. Ngay sau đó, trận động đất mạnh 6,7 độ richter làm rung chuyển hòn đảo lớn ở miền Bắc Nhật Bản vào rạng sáng 6/9, đã làm 41 người thiệt mạng và 683 người bị thương trên toàn tỉnh Hokkaido.
Cơ quan điện lực Hokkaido cho biết có tới gần 3 triệu gia đình bị mất điện, do các nhà máy nhiệt điện trong tỉnh tự động ngừng hoạt động sau vụ động đất.
Toyota đã buộc phải đóng cửa, ngừng sản xuất tại 11 nhà máy sản xuất ô tô, phụ tùng của hãng từ sớm và hủy bỏ các ca sản xuất tối. Nhiều nhà máy khác của Toyota, bao gồm các nhà máy chuyên cung cấp linh kiện toàn cầu như Toyota Industries, Toyota Auto Body, Gifu Auto, Toyota Motor Kyushu, Toyota Motor Đông Nhật Bản, Hino Motors và Daihatsu Motor cũng bị ảnh hưởng bởi các thảm họa thiên nhiên thời gian qua.
Toyota khẳng định hãng sẽ nỗ lực để hoạt động sản xuất sớm được nối lại muộn nhất là hôm qua 13/9. Theo kế hoạch, chi nhánh Toyota Motor Hokkaido chuyên sản xuất các bộ phận truyền động của hãng tại nhà máy đặt tại thành phố Tomakomai đã khôi phục lại sản xuất từ ngày 11/9. Các nhà máy Takaoka, Tsutsumi và Tahara tại tỉnh Aichi đều hoạt động trở lại vào ngày 13/9.
Trong khi đó, Mitsubishi có các nhà máy sản xuất ở phía Tây Nam Nhật Bản cho biết, trận động đất vừa qua đã không tác động nhiều tới hoạt động sản xuất của hãng. Hiện các cơ sở sản xuất của Mitsubishi bao gồm 3 nhà máy lắp ráp xe và 2 nhà máy sản xuất các bộ phận truyền động đã hoạt động bình thường.
Honda và Nissan cũng thông báo các hoạt động sản xuất nội địa của mình không bị ảnh hưởng nhiều, mặc dù trước đó Trung tâm nghiên cứu của Nissan tại thị trấn Rikubetsu, thuộc hòn đảo Hokkaido đã tạm thời phải ngừng hoạt động do mất điện.
“Tương tự, mất điện cũng đã khiến hầu hết các đại lý của Nissan phải tạm thời đóng cửa. Các đại lý này đã mở cửa trở lại vào cuối tuần qua khi điện được khôi phục ở từng khu vực”, người phát ngôn của hãng Nissan cho biết.
Honda đang tiến hành xác minh hoạt động sản xuất của từng nhà máy của hãng để thống kê đầy đủ và chính xác nhất mức độ thiệt hại. Trong khi đó, Mazda vẫn đang phục hồi sau tác động của trận lũ tồi tệ xảy ra tại miền Tây Nhật Bản hồi tháng 7 vừa qua.
Động đất và sóng thần đã ảnh hưởng rất mạnh và trực tiếp đến ngành công nghiệp sản xuất ô tô mũi nhọn của Nhật Bản. Trước đó, thảm họa kép động đất, sóng thần lớn nhất trong lịch sử xứ Phù Tang ngày 11/3/2011 không những gây thiệt hại về người mà còn làm tê liệt nhiều ngành nghề, trong đó có ngành công nghiệp ôtô. Phần lớn các nhà máy của các hãng lớn như Honda, Toyota, Nissan… bị tàn phá, thậm chí có nhà máy bị phá hủy hoàn toàn, kéo theo chuỗi cung ứng toàn cầu bị sụt giảm nghiêm trọng.
Hồi năm 2016, hàng trăm trận động đất và dư chấn lớn nhỏ mà mạnh nhất là hai trận động đất xảy ra tại Kyushu đêm 14/4 và rạng sáng 16/4 với cường độ lần lượt 6,5 độ richter và 7,3 độ richter đã không chỉ gây thương vong lớn về người mà còn ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Nhật Bản nói chung và ngành công nghiệp ô tô nói riêng. Kyushu là nơi tập trung nhà máy của nhiều tập đoàn công nghiệp hàng đầu Nhật Bản như Toyota, Sony, Honda, Mitsubishi, Daihatsu, Nissan… Trận động đất khiến cho các nhà máy đặt tại khu vực này phải ngừng hoạt động, gây ra sự đình trệ sản xuất mang tính dây chuyền trên toàn quốc.