Ngăn chặn, ứng phó tin đồn thất thiệt trên mạng thế nào?
Thời gian qua, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đến vụ việc “nữ nhân viên Samsung nhiễm HIV lây cho nhiều người” được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội. |
Thời gian qua, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đến vụ việc “nữ nhân viên Samsung nhiễm HIV lây cho nhiều người” được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội. Trước tình hình đó, nhiều ngành chức năng của tỉnh Thái Nguyên đã nhanh chóng vào cuộc để xác minh làm rõ thông tin, nhằm trấn an dư luận và ngăn chặn những thông tin sai lệch tiếp tục lan rộng. Sự thật nhanh chóng được Công an tỉnh Thái Nguyên xác nhận đây là tin giả, thông tin sai sự thật. Cơ quan Công an cũng đã xử phạt hành chính với 1 người phụ nữ; đồng thời khởi tố 6 bị can trong vụ tung tin giả lên MXH về nữ công nhân Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên nhiễm HIV và lây nhiễm cho 16 đồng nghiệp.
Bị can Nguyễn Hồng Q cho biết: "Vào ngày 25/7, tôi có đọc thông tin trên mạng, hội Facebook "Trai xinh gái đẹp" và các nhóm liên quan đến công việc chia sẻ vụ việc liên quan đến một bạn nhân viên Samsung có nghi nhiễm HIV. Tối 25/7, tôi đi làm, khoảng 22 giờ tôi có vào phần mềm của Samsung và tìm kiếm thông tin của người tôi đã lấy được thông tin trên mạng xã hội từ chiều, thấy trùng hợp với các thông tin tôi đã đọc được. Tôi đã dùng ứng dụng Zalo để chụp lại thông tin và gửi lên nhóm Zalo lớp cấp 3, khoảng 10 phút tôi đã thu hồi nhưng không biết lý do vì sao hình ảnh tôi chụp đã bị lan truyền ra ngoài".
Thiếu tá Nguyễn Đình Xuân, Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an tỉnh Thái Nguyên cho hay: "Đối với thông tin sai sự thật liên quan đến vụ nữ công nhân Samsung, đơn vị đã phối hợp rà soát trên không gian mạng, phát hiện những trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật liên quan đến vụ việc. Qua đó, chúng tôi đã tiến hành xử lý 1 trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật".
Liên quan đến vụ việc nữ nhân viên tại Samsung Thái Nguyên bị kẻ xấu đánh cắp thông tin, hình ảnh, rồi cắt ghép tung tin giả lên mạng xã hội, cơ quan Công an tỉnh Thái Nguyên đã khởi tố 6 bị can trong vụ việc này là một ví dụ điển hình, cho thấy rằng pháp luật không dung thứ cho những hành vi vô trách nhiệm trên MXH. |
Thông tin về việc một cô gái "lây HIV cho 16 người" đã lan truyền nhanh chóng trên MXH, gây ra sự hoang mang và lo lắng trong cộng đồng. Điều đáng nói là thông tin này hoàn toàn không có cơ sở, không chỉ gây tổn hại nghiêm trọng đến danh dự và uy tín của những người liên quan mà còn tạo ra một làn sóng phản ứng tiêu cực trong xã hội. Vụ việc này không chỉ là một vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà còn phản ánh một vấn đề nhức nhối trong việc sử dụng MXH tại Việt Nam hiện nay.
Thạc sĩ luật Nguyễn Minh Cảnh, Giám đốc phụ trách tư vấn, Công ty Luật TNHH K và cộng sự chi nhánh Thái Nguyên cho biết: "Đây là một hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến các giá trị đạo đức và giá trị văn hoá cơ bản của xã hội. Theo quy định của pháp luật thì hành vi này có thể bị xử lý về dân sự, hành chính và hình sự. Đặc biệt trong trường hợp mà người lan truyền lại có động cơ xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của 1 cá nhân nào đó thì có thể cấu thành tội làm nhục người khác, quy định tại điều 155, Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 5 năm tù".
Qua sự việc kể trên, có thể thấy rằng: tin giả, tin sai sự thật phát tán tràn lan trên không gian mạng là nguyên nhân trực tiếp tác động tiêu cực đến nhận thức, suy nghĩ, tình cảm và hành vi của người dùng MXH. Việc có đến 6 người bị khởi tố liên quan đến một vụ hoang tin trên MXH lần này là một bài học lớn cho tất cả người dùng MXH.
Ông Vi Tuấn Dũng, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên thông tin: "Đối với người dân khi tham gia MXH cần chấp hành tốt Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin, khuyến cáo không đăng nhập tài khoản vào những thiết bị lạ, bật chế độ không kết bạn với người lạ trên Zalo, Tiktok, Facebook, đặt mẩu khẩu, đổi mật khẩu thường xuyên. Khi phát hiện những thông tin xấu độc cần trình báo ngay cho cơ quan công an để xử lý theo quy định".
Thượng tá Triệu Xuân Hiếu, Phó Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết thêm: "Đối với những thông tin xấu độc trên không gian mạng, về nội dung bản chất nhận diện những thông tin đó là những thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật, xuyên tạc vấn đề, đổi trắng thay đen, lẫn lộn đúng sai, thật giả; hoặc một phần sự thật được đưa tin với dụng ý xấu".
Với sự bùng nổ thời đại công nghệ thông tin, sự phát triển mạnh các nền tảng MXH với tính ưu việt về tốc độ lan truyền thông tin nhanh chóng và tất yếu sẽ tồn tại một khoảng trống không gian rất lớn cho những thông tin xấu độc, tin giả, sai sự thật được đăng tải trên không gian mạng. Bên cạnh sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của các cơ quan chức năng, mỗi người dân khi sử dụng MXH phải nêu cao tinh thần cảnh giác, biết sàng lọc, nhận diện tin giả, tin sai sự thật cũng như các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng./.