Nâng cao nội lực kinh tế tư nhân
Ảnh minh họa. Ảnh: Dân trí. |
Đến năm 2020, mục tiêu đề ra là có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp và đến năm 2025 sẽ tăng lên 1,5 triệu doanh nghiệp. Đây đều là những mục tiêu tham vọng và để có thể hiện thực hóa được, cần sự thay đổi trong tư duy quản lý, hành động để tạo điều kiện cho kinh tế tư nhất phát triển. Một trong số đó chính là sự thay đổi trong định kiến về kinh tế tư nhân.
Nền kinh tế Việt Nam có 3 thành phần chính đó là: Doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp tư nhân. Đứng đằng sau doanh nghiệp Nhà nước là các Bộ, ngành. Đứng đằng sau các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài là vốn và bề dày kinh nghiệm đã được tích lũy hàng trăm năm. Còn đằng sau doanh nghiệp tư nhân là "khoảng trống mênh mông", trong khi đó họ lại đóng góp tới 40% GDP cho nền kinh tế. Nhưng kinh tế tư nhân vẫn bị ám ảnh bởi những danh xưng: Thương gian, con buôn, con phe hay là cò mồi. Những định kiến đã khiến cho nhiều doanh nghiệp tư nhân như bị kìm hãm, thậm chí làm thui chột đi sức sống.
Định kiến về kinh tế tư nhân vẫn còn đó nhưng đã có sự thay đổi đột phá về tư duy khi chỉ cách đây hơn hai tháng, Nghị quyết số 10 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII được ban hành, đã chính thức khẳng định, kinh tế tư nhân được coi là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây không chỉ là bước tiến dài về cách nhìn nhận đối với thành phần kinh tế tư nhân mà chính điều này đã làm dấy lên niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân vào quyết sách đúng đắn của Đảng, để họ vững tin phát triển, đóng góp nhiều hơn nữa cho nền kinh tế Việt Nam.
Trong Nghị quyết số 10 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ghi rõ: "Tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển ở tất cả các ngành và lĩnh vực mà pháp luật không cấm"; "Thúc đẩy phát triển mọi hình thức liên kết sản xuất, kinh doanh, cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo mạng sản xuất, chuỗi giá trị thị trường giữa kinh tế tư nhân với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài…"; "Xóa bỏ mọi định kiến, rào cản; cải cách mạnh các thủ tục hành chính rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển".
Không cần phải mất nhiều công sức hay phải tập trung nhiều ưu đãi mà trước tiên chỉ cần loại bỏ những định kiến thì kinh tế tư nhân sẽ phát triển và tiến xa hơn rất nhiều, đó cũng là ý kiến mà nhiều chuyên gia kinh tế đã thẳng thắn đưa ra.
Định kiến đã cản trở sự phát triển của kinh tế tư nhân. Nhưng giờ đây đã có không ít nỗ lực từ Đảng, Chính phủ và cả xã hội để thay đổi điều này. Nhưng quan trọng hơn và cũng rất cần thiết vào lúc này là chính các doanh nghiệp, các cá nhân thuộc thành phần kinh tế tư nhân phải tự ý thức, nâng cao sức mạnh nội lực, tăng khả năng cạnh tranh của mình để góp phần nhanh chóng thay đổi hình ảnh, nhận thức về kinh tế tư nhân.
Như vậy có thể thấy, sự khẳng định mạnh mẽ, dứt khoát của Đảng khi coi kinh tế tư nhân là một động lực, là trụ cột, là nòng cốt quan trọng của nền kinh tế. Một Chính phủ kiến tạo cũng đang được vận hành để thúc đẩy phát triển kinh tế, trong đó đặc biệt khuyến khích các chủ thể kinh tế tư nhân làm giàu hợp pháp và góp phần làm giàu cho xã hội thông qua việc giải phóng sức sản xuất và huy động mọi nguồn lực xã hội. Và sự xóa bỏ những định kiến đối với kinh tế tư nhân cũng chính là gỡ bỏ sự kìm hãm đối với thành phần kinh tế này. Để kinh tế tư nhân gỡ bỏ đi chiếc áo đã quá cũ và quá chật, qua đó vươn lên, đóng góp cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam.