Nâng cao năng lực ứng phó, quản lý rủi ro thiên tai
Điểm cầu tỉnh Thái Nguyên

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2020, tình hình thiên tai ở Việt Nam diễn ra dồn dập và đặc biệt khốc liệt, mang nhiều yếu tố dị thường, vượt mức lịch sử trên nhiều vùng miền cả nước. Thiên tai đã làm trên 350 người chết và mất tích; hơn 7.700 ngôi nhà bị sập và hư hại; trên 198.000 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại. Tổng thiệt hại về tài sản gần 40.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương cũng đã ảnh hướng lớn đến công tác phòng, chống thiên tai.

Báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế trong công tác phòng, chống thiên tai ở nước ta, đó là: năng lực theo dõi giám sát thiên tai, cứu hộ, cứu nạn còn hạn chế, thậm chí còn xảy ra thiệt hại nghiêm trọng cho chính lực lượng cứu hộ, cứu nạn; khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được trước sự tàn phá của bão lũ; nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa bị cô lập khi có thiên tai xảy ra, ảnh hưởng lớn đến công tác tiếp cận hiện trường và cứu hộ, cứu nạn.

Đối với Thái Nguyên, năm 2020, toàn tỉnh xảy ra 22 đợt thiên tai làm 2 người chết, 16 người bị thương; khiến trên 3.400 nhà bị ảnh hưởng, 81 điểm trường, 13 công trình văn hóa, 10 trụ sở cơ quan, trên 640m đường giao thông bị hư hỏng... Về nông nghiệp, có hơn 200ha lúa và hoa màu, 870ha rừng bị thiệt hại, hơn 8.300 con gia súc, gia cầm chết. Ước tính tổng thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra gần 65 tỷ đồng. Bước vào mùa mưa lũ năm nay, tỉnh đã chủ động đề ra phương án phòng, chống, khắc phục kịp thời để giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại. Ðến nay, trên địa bàn tỉnh đã và đang lắp đặt 29 trạm đo mưa ở các xã xung yếu, có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống; lắp đặt 12 camera dọc sông Cầu, tại các điểm xung yếu để quan sát mực nước lũ trên sông.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung: giải pháp để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai; lồng ghép nội dung đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 vào phương án ứng phó với các tình huống thiên tai; thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống thiên tai chuyên trách tại các địa phương; cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước để các hộ dân sống trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thiên tai di dời đến nơi an toàn…

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ghi nhận sự vào cuộc tích cực của các bộ, ban, ngành, địa phương trong công tác chủ động ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Đồng thời, yêu cầu, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tổ chức triển khai đồng bộ, có hiệu lực, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với công tác phòng, chống thiên tai, đặc biệt là trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Cùng với đó, tiến hành rà soát, kiểm tra, xây dựng phương án đảm bảo an toàn công trình phòng, chống thiên tai, nhất là hệ thống đê điều, hồ đập. Các địa phương cần chuẩn bị phương án nhằm chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục kịp thời, nhất là đối với các loại hình thiên tai như: bão mạnh, lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn…/.