Nâng cao năng lực tiếng Việt cho học trò vùng cao
Văn Lăng là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh, là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số; 100% con em của đồng bào dân tộc nơi đây đều thuộc diện khó khăn, trong đó 90% là con em đồng bào dân tộc Mông, sống tách biệt trên các đỉnh núi cao. Việc huy động các em ra lớp là một trong những điều khó khăn vất vả của các thầy cô giáo. Cùng với đó, khả năng tiếng Việt của trẻ còn rất thấp, bản tính rụt rè, ít giao tiếp khiến cho việc dạy và tiếp thu kiến thức của cô và trò gặp không ít khó khăn.
Được phân công phụ trách điểm trường Liên Phương thuộc trường Mầm non Văn Lăng – nơi xa xôi hẻo lánh nhất của xã vùng cao đầy khó khăn - Văn Lăng (huyện Đồng Hỷ), hiện nay, cô Chu Thị Dung cùng đồng nghiệp đang trông giữ và chăm sóc trên 50 trẻ trong độ tuổi mầm non. Ngày nào cũng vậy, phải mất hơn 1 giờ đồng hồ cô mới đến được lớp, khi được hỏi về những khó khăn cô giáo Dung rất trăn trở: "Khó khăn lớn nhất của giáo viên chúng tôi không chỉ là việc khó khăn về đường sá, mà còn ở việc chăm sóc và giáo dục cho trẻ; nếu như các giáo viên công tác ở khu vực trung tâm ít học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số chỉ lo trông giữ trẻ, thì đối với chúng tôi còn là việc dạy trẻ nói tiếng Kinh. Trẻ em nơi đây đến trường nhưng không hề biết một chút tiếng phổ thông nào, chúng tôi nói các em không hiểu và các em nói chúng tôi cũng không hiểu. Nhiều khi các em muốn xin ra ngoài cô giáo cũng không biết. Nếu như muốn thông báo một điều gì đó thì chúng tôi phải sang nhờ em học sinh thuộc trường Tiểu học số 2 Văn Lăng bên cạnh để truyền đạt".
Một giờ học tại thư viện của các em học sinh trường Tiểu học số 2 Văn Lăng |
Còn đối với cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà, một trong những giáo viên đã có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy tại môi trường đa phần là học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số của trường Tiểu học số 2 Văn Lăng và đã từng được giảng dạy các khối từ lớp 1 đến lớp 5, cũng khẳng định: " Dạy khối 1 là khó khăn nhất, vì vừa phải dạy các em từ cách cầm bút sao cho đúng, ngồi sao cho ngay ngắn…sau đó mới là học đến kiến thức. Tất cả mọi thứ như phải dạy lại từ đầu, thậm chí là cả dạy cách đọc cho các em. Vốn sinh sống tách biệt, các em học sinh rất rụt rè, điều đó càng khiến công việc dạy học khó khăn hơn. Nếu như các em có vốn từ vựng phổ thông tốt thì chắc chắn việc học sẽ dễ dàng hơn rất nhiều".
Trước những khó khăn trên, các nhà trường đã nỗ lực tìm nhiều cách để tạo điều kiện cho các em học sinh có thể tiếp cận được bài giảng một cách dễ dàng và đầy đủ nhất. Trao đổi với phóng viên về biện pháp khắc phục, bà Đinh Thị Thủy, Hiệu trưởng trường Tiểu học số 2 Văn Lăng cho biết: " Để tạo điều kiện cho học sinh và cả giáo viên về việc dạy học, ngay từ đầu năm, chúng tôi đã phải xem xét kỹ lưỡng việc phân công giáo viên dạy khối 1, lựa chọn làm sao giáo viên có kiến thức lại có kỹ năng, kinh nghiệm dạy cho trẻ dân tộc thiểu số. Cùng với đó, chúng tôi sử dụng các biện pháp trực quan như hình ảnh, âm thanh…để giúp học sinh dễ dàng tiếp cận với bài học, cụ thể đối với bậc học mầm non, các cô giáo sử dụng tranh, ảnh vật dụng hay thậm chí các cô phải học tiếng mẹ đẻ của học trò mình để giao tiếp với các em; với bậc tiểu học, nhà trường cũng có những phương pháp riêng.."
Bằng những giải pháp áp dụng hiệu quả nhất hiện nay đó là trường Tiểu học số 2 Văn Lăng đã chủ động sáng tạo, sử dụng linh hoạt 2 tiết học thư viện/1 tuần để lồng ghép nâng cao năng lực tiếng Việt cho học sinh, góp phần tích cực trong việc giúp trẻ tiếp cận với tiếng Việt, tuy nhiên, biện pháp này chỉ hữu dụng đối với các em học sinh đã biết đọc, biết viết, tức là phải từ khối 3 trở lên.
Có thể thấy, đến nay, nhiều biện pháp do nhà trường áp dụng đã phát huy tác dụng, góp phần nâng cao năng lực, khả năng tiếp thu của các em học sinh người dân tộc thiểu số, qua đó, tạo cho các em có thêm cơ hội được tiếp cận với nguồn kiến thức và phương pháp học tập mới. Hy vọng rằng, trong thời gian tới Ngành Giáo dục tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm và có những biện pháp tích cực hơn nữa để tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số./.