Nâng cao công tác phòng cháy chữa cháy từ ý thức của mỗi cá nhân
Hiện trên địa bàn tỉnh có trên 640 tổ liên gia phòng cháy chữa cháy và 2.302 điểm chữa cháy công cộng. |
Tại cơ sở kinh doanh Lan Tuấn trên đường Hoàng Văn Thụ, TP. Thái Nguyên - là cơ sở kinh doanh kết hợp nhà ở, đặc biệt với mặt hàng là vải may mặc, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Chính vì thế, công tác phòng cháy, chữa cháy được đặt lên hàng đầu. Các phương tiện chữa cháy, hồ sơ chữa cháy, phương án chữa cháy đã được chủ cơ sở trang bị đầy đủ.
Ông Lê Văn Tuấn, Chủ cơ sở kinh doanh, phường Hoàng Văn Thụ, TP. Thái Nguyên: "Tôi đi tập huấn lấy chứng chỉ phòng cháy chữa cháy và yêu cầu nhân viên đi học tập để được cấp chứng chỉ phòng cháy chữa cháy".
Phong trào toàn dân phòng cháy chữa cháy theo phương châm “4 tại chỗ ”tại các địa phương đóng vai trò đặc biệt quan trọng. |
Qua phân tích thực tế các vụ cháy, ngoài những yếu tố khách quan thì nguyên nhân đầu tiên phải nói tới là từ ý thức của người dân. Đa phần người dân, các hộ kinh doanh vẫn còn chủ quan, lơ là, chưa quan tâm đúng mức tới việc phòng chống cháy nổ. Dẫn đến những vụ hoả hoạn đáng tiếc. Chính vì vậy, phong trào toàn dân phòng cháy chữa cháy theo phương châm “4 tại chỗ ”tại các địa phương đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Hiện trên địa bàn tỉnh có trên 640 tổ liên gia phòng cháy chữa cháy và 2.302 điểm chữa cháy công cộng; đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao ý thức, trách nhiệm các tầng lớp nhân dân chấp hành các quy định của Luật Phòng cháy, chữa cháy; tuyên truyền nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy cho người dân và các hộ gia đình sử dụng nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Ông Nguyễn Bá Quyền, Tổ trưởng tổ dân phố Bông Hồng, phường Bãi Bông, TP. Phổ Yên chia sẻ: "Hiệu quả của mô hình điểm chữa cháy công cộng là tuyên truyền trực quan, mọi người đã có suy nghĩ về phòng cháy và chữa cháy. Hiện tại chưa xảy ra tình huống cháy ở trên địa bàn, nhưng với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay thì yếu tố nguy cơ ngày càng tăng lên; cho nên dự phòng về phòng cháy chữa cháy, nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy cho toàn dân là không thừa".
Để nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và ý thức người dân trong công tác phòng chống cháy nổ, ngay từ đầu năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 05 chỉ đạo thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và phát động phong trào toàn dân phòng cháy chữa cháy trên địa bàn. Hiện, đang chuẩn bị bước vào mùa khô, công tác phòng chống cháy nổ càng bức thiết hơn bao giờ hết, rất cần tinh thần, trách nhiệm chung của toàn xã hội và từ ý thức chủ động phòng ngừa của mỗi hộ gia đình.
Thượng tá Lê Thanh Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Muốn làm tốt công tác phòng chữa cháy thì phải tuyên truyền, phổ biến kiến thức và nâng cao ý thức trách nhiệm cũng như kiến thức về phòng cháy chữa cháy cho mỗi cá nhân. Mỗi cá nhân làm tốt công tác phòng cháy chữa cháy góp phần làm tốt công tác phòng cháy chữa cháy trên địa bàn toàn tỉnh. Trong thực tế, thời gian qua nhiều vụ cháy xảy ra đã được quần chúng nhân dân, đặc biệt là các mô hình tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy, mô hình tổ dân phố an toàn về phòng cháy chữa cháy, mô hình nhà tôi có bình chữa cháy và doanh nghiệp an toàn về phòng cháy đã phát hiện xử kịp thời. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo công an các huyện, thành phố đẩy mạnh việc xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy chữa cháy và tiếp tục duy trì các mô hình đã xây dựng được đảm bảo hoạt động thực chất, hiệu quả, thường xuyên liên tục và góp phần đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy trên địa bàn tỉnh".
Công tác phòng cháy chữa cháy là trách nhiệm không của riêng ai. Để tránh hỏa hoạn, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, cùng với sự vào cuộc của lực lượng chức năng, điều quan trọng là phải bắt đầu từ ý thức, hành vi của mỗi người dân, trong đó coi việc phòng cháy hơn chữa cháy./.