Môi trường đầu tư hấp dẫn, vốn FDI tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam
Nghiên cứu của GS. Trần Thọ Đạt và cộng sự tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá: “Với vốn FDI giải ngân vào Việt Nam qua các năm đều đứng ở mức cao. Điều này phản ánh Việt Nam vẫn là một điểm đến đầu tư hấp dẫn với triển vọng kinh tế sáng sủa hơn một số nước trong khu vực, môi trường kinh doanh đã có những cải thiện nhất định, đặc biệt khi Việt Nam tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại và đầu tư song phương và đa phương”.
4 tháng đầu năm nay, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 10,95 tỷ USD, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm 2016.(Ảnh minh họa: KT) |
FDI vào Việt Nam tiếp tục tăng mạnh
Phân tích rõ hơn, nhóm nghiên cứu cho biết, nếu như trung bình giai đoạn 2011-2014, FDI giải ngân khoảng 11 tỷ USD, năm 2015 tăng lên 14 tỷ USD thì năm 2016, FDI giải ngân đã đạt 15,8 tỷ USD (mức cao nhất từ trước đến nay). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút FDI lớn nhất với tổng số vốn đăng ký lên đến 15,5 tỷ USD (chiếm khoảng 64% tổng vốn FDI đăng ký).
Ngay như 4 tháng đầu năm 2017, vốn FDI tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam, với mức tăng tới 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, tính chung trong 4 tháng đầu năm nay, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 10,95 tỷ USD, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Tính đến ngày 20/04/2017, cả nước có 23.272 dự án vốn FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 302,64 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài (ĐTNN) ước đạt 159,63 tỷ USD, bằng 52,7% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.
Các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 179,23 tỷ USD, chiếm 59,2% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 52,68 tỷ USD (chiếm 17,4% tổng vốn đầu tư), sản xuất, phân phối điện, khí nước với 12,92 tỷ USD (chiếm 4,26% tổng vốn đầu tư).
Tính đến tháng 4/2017 đã có 116 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, trong đó đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký 54,14 tỷ USD (chiếm 17,89% tổng vốn đầu tư). Nhật Bản đứng thứ hai với 43,94 tỷ USD (chiếm 14,52% tổng vốn đầu tư), tiếp theo lần lượt là Singapore và Đài Loan, Britishvirgin Island, Hồng Kông.
Điều đáng chú ý là mấy năm gần đây đầu tư FDI cũng đến nhiều nhất từ Hàn Quốc (như năm 2016, chiếm 36,3% vốn FDI đăng ký mới), vượt xa các quốc gia tiếp theo như Singapore (10,5%) hay Trung Quốc (8,3%). Điều này cũng phản ánh thực tế Việt Nam đang dần thay thế Trung Quốc như là điểm cuối trong chuỗi giá trị Đông Á và toàn cầu.
Khu vực FDI tiếp tục đóng góp quan trọng vào GDP
Hiện đầu tư nước ngoài đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Khu vực FDI vẫn đang được đánh giá là khu vực năng động và tiếp tục đóng góp quan trọng vào GDP. Thực tế dòng vốn FDI đăng ký và giải ngân tiếp tục gia tăng mạnh trong nhiều năm gần đây, và hiện đóng góp của khu vực này đã chiếm hơn 18% sản lượng (con số năm 2015), hơn 23% tổng vốn đầu tư xã hội, và khoảng 70% giá trị sản xuất công nghiệp, khoảng 2/3 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
Các doanh nghiệp FDI cũng đang đóng góp lớn nhất vào cán cân thương mại của nền kinh tế trong nhiều năm, giữ cho tốc độ tăng trưởng kinh tế không suy giảm mạnh. Năm 2016 khu vực này tạo được thặng dư thương mại 23,7 tỷ USD (so với 17,1 tỷ USD năm 2015); trong khi khu vực trong nước nhập siêu 21,1 tỷ USD (so với 20,3 tỷ USD năm 2015).
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, sau nhiều năm tham gia vào nền kinh tế, các doanh nghiệp FDI vẫn chủ yếu tập trung vào ngành khai thác tài nguyên, gia công tận dụng lao động giá rẻ, tạo giá trị gia tăng thấp cho nền kinh tế, chưa có những đóng góp tích cực cho cải thiện tiến bộ khoa học công nghệ.
Hơn nữa, sự kết nối giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn lỏng lẻo. Các doanh nghiệp FDI có công nghệ cao thì ít tạo được hiệu ứng lan tỏa về công nghệ đối với các doanh nghiệp trong nước do khoảng cách công nghệ giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài cũng như sự thiếu vắng lực lượng lao động trình độ cao làm giảm khả năng hấp thụ những tiến bộ công nghệ.
Một vấn đề nữa là các doanh nghiệp FDI là một trong những tác nhân quan trọng gây ô nhiễm môi trường. Một bộ phận nhà đầu tư nước ngoài đã lợi dụng những quy định về môi trường lỏng lẻo để di dời các ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường đến Việt Nam.
Dẫu vậy, “khu vực FDI sẽ vẫn tiếp tục đóng vai trò là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2017 và những năm tiếp theo. Mặc dù sản xuất nông nghiệp được dự báo là khó khăn, nhưng sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo vẫn có xu hướng gia tăng với sự đóng góp lớn từ khu vực FDI, sẽ giữ nhịp cho tốc độ tăng trưởng”- GS. Trần Thọ Đạt và cộng sự dự báo./.