Sáng tạo những cách làm mới

Như một thói quen, khi tiếng kèn hiệu lệnh chuẩn bị cất lên trên loa truyền thanh nội bộ của nhà trường, báo hiệu một ngày làm việc mới bắt đầu, thì cũng là lúc hàng trăm cán bộ, học viên, nhân viên, chiến sĩ ở các cơ quan, đơn vị Học viện Chính trị đã đứng quanh chiếc bảng treo ngoài hành lang các dãy nhà ở, nhà làm việc để đọc và ghi chép những lời dạy của Bác vào cuốn sổ tay, mà chỉ huy đơn vị đã viết lên từ rất sớm.

Thượng tá Đỗ Đức Giang, Trưởng ban Tuyên huấn Học viện cho biết, nội dung mỗi ngày ghi nhớ một lời dạy của Bác, bao gồm những lời nói căn dặn, những trích đoạn trong văn bản chỉ thị, bài báo, bài phát biểu chỉ đạo của Người tại các hội nghị, các cuộc họp, nói chuyện với cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân... vào những ngày này năm xưa. Mặc dù những câu nói, bài viết của Người đã diễn ra trong bối cảnh tình hình, nhiệm vụ đất nước cách đây hàng chục năm nhưng có ý nghĩa sâu sắc trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay.

moi ngay ghi nho mot loi day cua bac
Học viên Hệ 1- Học viện Chính trị đọc lời dạy của Bác trước khi lên giảng đường.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, để lời dạy của Bác được thấm sâu và “neo đậu” trong tâm trí mỗi người, Học viện Chính trị đã triển khai đồng bộ nhiều hình thức, phương pháp tuyên truyền phong phú và sinh động. Với tinh thần cán bộ, đảng viên, người chỉ trì gương mẫu ghi nhớ học trước và quần chúng, học viên, nhân viên, chiến sĩ tự giác noi theo. Từ đó, trong mỗi buổi giao ban, sinh hoạt ở các cấp, hay các buổi học tập trên giảng đường, thao trường… người chủ trì thường dành ít phút để “kiểm tra” cán bộ, đảng viên, học viên về việc ghi nhớ những câu nói, lời dạy của Bác vào những ngày này năm xưa. Cùng với đó, nhà trường yêu cầu giảng viên các khoa giáo viên phải nghiên cứu, lồng ghép những lời dạy của Bác vào bài giảng, phù hợp với từng đối tượng và nội dung môn học. Tại vị trí hành lang các phòng, khoa, ban, đơn vị đều gắn bảng ghi lời dạy của Bác. Hằng ngày, những lời dạy của Bác đều được phát trên loa truyền thanh nội bộ của nhà trường để mọi người tiện theo dõi, ghi chép vào sổ tu dưỡng, rèn luyện đảng viên; đồng thời, thường xuyên tự “sát hạch” giúp nhau hiểu sâu, nhớ kỹ những lời Bác dạy. Đặc biệt, Học viện đã khuyến khích các tổ chức quần chúng: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Công đoàn sử dụng điện thoại thông minh, thiết lập các nhóm học tập và làm theo lời “Bác Hồ dạy” trên các trang mạng xã hội, chia sẻ tới nhiều người. Đây được coi là cách lưu giữ, là “cuốn sổ” cầm tay rất tiện dụng và hiệu quả đối với mỗi người, khi có nhu cầu tra cứu, tìm đọc những lời dạy của Bác.

Lan tỏa nhiều điều hay

Thượng tá Đỗ Đức Giang chia sẻ, với hình thức, phương pháp học tập sáng tạo như vậy không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của nhà trường mà còn tạo sự lan tỏa sâu rộng tới nhiều người. Chia sẻ về tính hiệu quả của các nhóm học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, Trung tá Nguyễn Thị Thu, Trợ lý Công đoàn, Phụ nữ Học viện cho biết, hằng ngày các thành viên trong nhóm công đoàn, phụ nữ đều ghi lời dạy của Bác đăng lên trang nhật ký cá nhân trên mạng để chia sẻ tới mọi người. Qua đó, mỗi ngày đều có hàng trăm lượt bạn chia sẻ, bày tỏ những ý kiến tâm huyết và tình cảm trân trọng về những lời dạy của Bác. Cách học này, không chỉ tạo sự hào hứng, thích thú cho mọi thành viên trong các tổ chức quần chúng mà còn lôi cuốn được nhiều người thân gia đình, bạn bè tham gia.

Trao đổi với một số cán bộ Phòng Đào tạo và giảng viên các khoa Xây dựng Đảng, Triết học Mác- Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh… chúng tôi được biết, trong từng chuyên đề, từng bài giảng, từng ngày học cụ thể và đối tượng học khác nhau, các giảng viên đều lồng ghép, trích dẫn những lời dạy của Bác năm xưa. Đó đều là những điều rất ý nghĩa đối với các học viên đào tạo để trở thành những chính ủy, những giảng viên sư phạm tương lai.

Đại tá PGS, TS Phạm Đình Bộ, Trưởng phòng Đào tạo Học viện cho biết, trong các bài thi tự luận, các bài luận văn, khóa luận, đề tài nghiên cứu khoa học, hay trong các buổi trao đổi, thảo luận trên lớp, các học viên đều trích dẫn, phân tích lời dạy của Bác trong bối cảnh đất nước năm xưa vào so sánh, luận giải các vấn đề thực tại hiện nay, sát với từng nội dung đề cập và yêu cầu tu dưỡng, rèn luyện của người cán bộ, đảng viên ở từng cương vị, chức trách.

Ông Đào Văn Đông, PGS, TS, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Giao thông - Vận tải (Bộ GT-VT), hiện là học viên Lớp Bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng- An ninh đối tượng 2 tại Hệ 3, Học viện Chính trị, cũng chia sẻ: Trong những ngày học tập tại trường, tôi thấy việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được các cơ quan, đơn vị nhà trường thực hiện rất hiệu quả. Đặc biệt là cách tuyên truyền để mọi người ghi nhớ một lời dạy của Bác mỗi ngày, đã tạo sự lan tỏa sâu rộng. Đây thực sự là mô hình hay mà chúng tôi có thể vận dụng vào các phòng, khoa, ban của trường mình./.