Mô hình bác sĩ gia đình: Còn nhiều vướng mắc sau 3 năm triển khai
Bác sĩ gia đình là mô hình chăm sóc sức khỏe ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục cho cá nhân, gia đình. Được kỳ vọng là mô hình giúp giải quyết phần lớn các bệnh lý thông thường, không cần chuyển tuyến, góp phần giảm tải bệnh viện, tiết kiệm kinh phí nằm viện cho bệnh nhân và chi phí bảo hiểm y tế, nhưng thực tế sau 3 năm triển khai thí điểm, ít phòng khám bác sĩ gia đình hoạt động hiệu quả và nhiều người cũng chưa thực sự hiểu về mô hình này.
Nhiều người tham gia đăng ký quản lý sức khỏe theo mô hình bác sĩ gia đình tại phòng khám đa khoa của huyện Thanh Oai, Hà Nội cho biết chưa thực sự hiểu về mô hình phòng khám bác sĩ gia đình. Việc chưa hiểu hết về lợi ích của mô hình này cộng với thói quen chỉ đi khám khi có bệnh khiến số người tham gia còn hạn chế.
Vướng mắc dẫn đến khó khăn khi triển khai còn vì chưa có quy chế phối hợp, chuyển tuyến và trao đổi thông tin phù hợp giữa các phòng khám bác sĩ gia đình với bệnh viện. Đây cũng là vướng mắc khiến phòng khám bác sĩ gia đình khó khăn về nhân lực.
Ngoài cơ sở khám, chữa bệnh công lập, phòng khám bác sĩ gia đình còn lồng ghép chức năng với trạm y tế xã, phường. Hiện, huyện Thanh Oai mới triển khai được tại 12/21 trạm y tế xã. Trạm y tế xã cũng mới chỉ quản lý bệnh cao huyết áp là chính.
Bộ Y tế đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 80% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai mô hình phòng khám bác sĩ gia đình. Vậy nên, những vướng mắc rất cần tháo gỡ để phát huy được lợi ích mà mô hình mang lại cho người dân.