Mở cửa ô tô bất cẩn làm cô gái chết thảm, tài xế sẽ bị xử lý thế nào?
Cách đây 2 ngày, chị Bảo Ngọc (26 tuổi, quê Bình Dương) đang điều khiển xe máy di chuyển trên đường Phan Đình Phùng (tỉnh Bình Dương) bất ngờ bị ngã xuống đường, bị xe buýt chạy cùng chiều cán tử vong tại chỗ.
Thông tin ban đầu, nguyên nhân dẫn tới tai nạn là do tài xế ô tô đỗ ven đường Phan Đình Phùng bất cẩn khi mở cửa khiến chị Ngọc loạng choạng tay lái ngã xuống đường rồi bị xe buýt cán chết.
Hiện trường vụ tai nạn. (Ảnh: Văn Dũng) |
Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: Lỗi của người lái xe ô tô đỗ ven đường mở cửa không quan sát đã vi phạm Khoản 3 Điều 18 Luật giao thông đường bộ quy định, người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe phải thực hiện quy định: Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn.
Hành vi mở cửa xe không quan sát này của lái xe ô tô đã có mối quan hệ nhân quả dẫn tới cái chết của nạn nhân. Do đó, người điều khiển ô tô này sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 202 Bộ luật Hình sự 1999 và theo Điều 280 Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018.
Theo quan điểm của luật sư, để đảm bảo an toàn cho bản thân và tránh gây tai nạn, tài xế điều khiển ô tô cần dừng đỗ đúng nơi quy định, tránh gây cản trở giao thông. Khi mở cửa xe, người trên xe ô tô cần chú ý quan sát qua gương chiếu hậu. Khi thấy đủ điều kiện an toàn thì mở cửa từ từ và phải đóng cửa lại ngay sau khi bước xuống.
“Lái xe chỉ nên mở cửa khi không có phương tiện phía sau hoặc cách xa ô tô của mình. Nếu quan sát phía sau có nhiều phương tiện hoặc phương tiện cách xa nhưng di chuyển nhanh về phía mình thì không nên mở cửa. Lái xe phải bình tĩnh, kiên nhẫn đợi khi nào có đủ điều kiên an toàn mới nên mở cửa ra ngoài. Còn nếu không cũng có có thể chọn cách rời khỏi xe theo cửa bên phải sát với lề đường” – luật sư Nguyễn Anh Thơm nói.
Trách nhiệm của lái xe buýt?
Tài xế xe buýt sẽ không phải chịu trách nhiệm về vụ tai nạn nếu cơ quan điều tra xác định tai nạn là sự kiện bất ngờ với tài xế này.
Điều 11 Bộ luật Hình sự 1999 nêu rõ, người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội do sự kiện bất ngờ, tức là trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Điều 202. Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ
1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:
a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;
b) Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác;
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.
4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm./.
CTV Lê Tùng/VOV.VN