Miễn học phí bậc THCS: Liệu có 'đẻ' ra một đống phí con?
Miễn học phí lẽ ra phụ huynh vui mừng khi giảm được thêm gánh nặng về tài chính khi con đến trường nhưng nghe đến miễn học phí nhiều người lại thêm lo.
Là một phụ huynh có hai con đi học, từng gửi đơn Chính phủ đề xuất giải tán Ban đại diện Cha mẹ học sinh, ông Võ Quốc Bình, ở TPHCM rất quan tâm khi nghe đến đề xuất miễn học phí ở bậc THCS.
Ông bố đặt ra vấn đề một cách thẳng thắn: Miễn học phí rồi liệu có “đẻ” ra một đống phí con, cháu, chắt trong trường học như kiểu thay đổi tên gọi, hình thức thu không? Miễn, giảm học phí thật ra không có ý nghĩa gì nếu tổng chi phí năm học của mỗi học sinh vẫn tăng cao và là gánh nặng cho phụ huynh.
Bộ GD-ĐT đang đề xuất miễn học phí ở bậc THCS |
Theo ông Bình, quan trọng nhất là cần phải xem xét thấu đáo, cặn kẽ tất cả các khoản thu được phép của nhà trường để cân bằng với chi phí và ngân sách, mục đích cuối cùng là con số tổng cho mỗi năm học phải thực sự giảm thì mới có ý nghĩa đúng theo chủ trương.
“Chứ giảm khoản này rồi "đẻ" ra khoản khác để thu, hay lại tiếp tục nghĩ ra cách để tận thu và lạm thu thì cũng như không. Điều này sẽ thêm gánh nặng cho phụ huynh và gây ức chế, phản cảm về môi trường giáo dục”, ông Bình thẳng thắn.
Có con học ở tiểu học ở TPHCM, bậc học được miễn học phí, chị Ngô Đinh Thùy bày tỏ có khi không miễn học phí... lại hợp lý hơn. Mang tiếng là giảm học phí nhưng đến trường, khoản gì cũng thấy đóng, không chừa một thứ gì, đến cả tờ giấy kiểm tra trong trường học cũng... có giá cao ngất.
“Theo tôi thà đóng học phí, học phí cao cũng được như ở bậc ĐH và đó là khoản duy nhất bố mẹ đóng, trừ những khoản bắt buộc như bảo hiểm, tiền bữa ăn bán trú... và cắt bớt râu ria, lá cành. Như vậy trường học đỡ bày ra các khoản thu rất phản cảm”, chị Thùy bộc bạch.
Chính sách thì “miễn” nhưng trên thực tế, nhiều nhà trường thu vẫn thu, thu theo nhiều kiểu khác đã dẫn tâm lý e dè của phụ huynh khi nghe đến miễn, giảm. Anh Trần Đức Anh, có con học ở Gò Vấp liên hệ đến việc học sinh TPHCM không phải đóng tiền cơ sở vật chất nhưng các cháu đi học lại đóng đủ khoản thông qua nhà trường, qua hội phụ huynh.
Anh Đức Anh chia sẻ: “Gọi là được miễn tiền cơ sở vật chất nhưng nào là sơn lại lớp học, mái dột, xây cổng trường, lát gạch, tiền nâng cấp nhà vệ sinh... cái nào cũng gọi phụ huynh. Vậy miễn để làm gì? Thà đóng tiền cơ sở vật chất hàng tháng theo quy định và nhà trường không được đề xuất thu này thu nọ nữa. Việc học phí theo tôi cũng vậy thì đúng nghĩa và phụ huynh người ta yên tâm hơn”.
Phụ huynh ở TPHCM chờ đóng học phí cho con |
Là một giáo viên, cô Nguyễn Thị H. ở Khánh Hòa bày tỏ lo ngại miễn giảm học phí có thể làm cho chủ trương xã hội hóa bị biến tướng. Theo cô, tất cả các khoản thu trong trường nên theo quy định chung của ngành, trừ những nơi thật sự đặc thù. Còn hiện tại như bậc tiểu học không đóng học phí nhưng... “phụ phí” theo cô H thì đầy rẫy, ngay ở các miền quê nghèo đi học cũng đủ khoản phải đóng. Có những khoản tiền lạ đời mà chính giáo viên cũng không hiểu nổi.
Cô H. nói: “Thà cứ thu học phí theo quy định nhưng ngành phải yêu cầu các trường không được thu các khoản “phụ thu” khác”.
Nói về góc độ chính sách, quy định bỏ học phí ở bậc THCS là một nội dung nhân văn để tạo điều kiện cho trẻ đến trường. Vậy nhưng, nói như anh Võ Quốc Bình, đưa ra chính sách hay thì cần có cơ chế giám sát, chế tài, kỷ luật, minh bạch… để trách những biến tướng không hay.
Còn bây giờ, phụ huynh đón nhận thông tin miễn học phí theo dự thảo của Bộ hết sức lạ đời nhưng rất dễ hiểu: Lo nhiều hơn vui!