E ngại miễn phí trong trường học
Đã không ít lần, giữa thủ đô Hà Nội và TPHCM, người dân xếp hàng dày đặc, sẵn sàng đứng chờ hàng tiếng đồng hồ tại một số cửa hàng thực hiện chương trình phần ăn miễn phí. Khi nhận được phần miễn phí, họ không giấu được vẻ hồ hởi và háo hức…
Có thể nhiều người chê cười hình ảnh đó. Nhưng tại đó - cho dù là một chiêu quảng cáo của nhà hàng - thì với thực khách, họ được tận hưởng niềm vui miễn phí thật sự. Những thứ họ đánh đổi phần miễn phí đó có thể là thời gian, công sức - bằng chính sự tự nguyện.
Phải nói rằng, mọi người đều có tâm lý thích được miễn phí. Thế nhưng, có một nỗi sợ về miễn phí - đó là miễn phí được thực hiện trong trường học. Cho dù về lý thuyết đó là những chính sách giáo dục nhân văn, vì sự nghiệp giáo dục.
Lâu nay, học sinh bậc tiểu học được miễn học phí và từ năm 2011, Bộ GD-ĐT chính thức bỏ thu tiền xây dựng trong trường học. “Được tiếng” là miễn học phí nhưng phụ huynh phải đóng vô số các khoản khác từ trong quy định đến ngoài quy định rồi khoản “tự nguyện”. Dù bậc tiểu học được miễn học phí nhưng đây có thể xem là bậc học khiến phụ huynh tốn kém nhất khi lắm trường tiểu học “bày”ra rất nhiều "chiêu trò" cũng như quá tích cực “mua bán” ti tỉ thứ trong trường như đồ dùng học tập, sách tham khảo, đồng phục…
Có thể, từ đầu năm 2019, học sinh THCS ở TPHCM sẽ chính thức được miễn học phí |
Mới đây, các khoản thu đầu năm học gần 8 triệu đồng/học sinh tại Trường tiểu học Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội) làm phụ huynh bức xúc. Nhìn vào danh sách các khoản đầu năm, có thể thấy, không cái gì mà trường không nhúng tay vào như sách giáo khoa, đồng phục, quỹ lớp, quỹ trường…
Việc miễn tiền xây dựng có thể xem là một trong những khoản… nghịch lý nhất. Học sinh không phải đóng mấy chục nghìn tháng nhưng đổi lại ti tỉ thứ trong trường từ sân, cổng, lớp, bàn ghế… không chừa cái gì, rất nhiều trường đều tích cực vận động phụ huynh đóng góp, sửa chữa, nâng cấp. Tại TPHCM, dù các trường không thu tiền cơ sở vật chất nhiều năm nay nhưng phụ huynh không "thoát" được khoản nào. Không ít nhà quản lý trường học “bám” vào lý do không có tiền cơ sở vật chất để vận động phụ huynh đóng góp hay lấy lý do để lý giải cho điều kiện của cơ sở của trường học.
Việc miễn một số khoản tiền trường không chỉ là gánh nặng đối với phụ huynh khi phát sinh các khoản tự nguyện mà có thể nói là một thách thức đối với giáo dục. E ngại miễn phí và chất lượng giáo dục không phải là không có cơ sở. Hiện nay, còn tình trạng thiếu trường thiếu lớp, nhiều trường cơ sở xuống cấp, có những tiểu học công lập sĩ số đến gần 70 học sinh…. Mọi người hoàn toàn có thể đặt câu hỏi: Vậy việc miễn học phí, miễn tiền xây dựng ảnh hưởng thế nào đến chất lượng giáo dục?
Dường như câu nói “Của biếu là của lo, của cho là của nợ” có lẽ cũng đúng với việc “miễn phí” ở trường học.
Thế nên dễ hiểu khi người dân không vui trước chủ trương miễn học phí ở bậc THCS, miễn được khoản này thì nguy cơ lại phát sinh thêm vô số khoản khác.
Khoản nào cần thu, phải thu vì chất lượng giáo dục, được sử dụng hiệu quả thì vẫn phải thu, người dân sẵn sàng đóng. Chỉ nên áp dụng miễn giảm với những hoàn cảnh đặc biệt, những vùng đặc biệt. Còn những khoản “râu ria” không chính danh ngôn thuận, gây đủ áp lực “tự nguyện” với phụ huynh… cần phải cắt triệt để.