Bên cạnh trường hợp cô giáo mầm non ở tỉnh Hà Tĩnh hưởng lương hưu chỉ có 1,3 triệu đồng/tháng thì gần đây, một người dân ở TP HCM được hưởng mức lương cao nhất hiện nay lên đến hơn 100 triệu đồng đang khiến nhiều người thắc mắc.

Người hưởng mức lương hưu cao nhất trong toàn quốc hiện đã từng làm việc ở doanh nghiệp nước ngoài nên mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) rất cao. Lao động nam này tham gia BHXH chỉ có 23 năm 3 tháng, khi nghỉ hưu được hưởng tỉ lệ 62%.

luong huu hon 100 trieu dong co nen kiem soat muc dong bhxh

Câu chuyện một người dân ở TP HCM được hưởng lương hưu hơn 100 triệu đồng/tháng đang thu hút sự quan tâm, tò mò của nhiều người (Ảnh: Người lao động)

Người hưởng lương hưu hơn 100 triệu đồng không có gì sai.

Giải thích với phóng viên VOV.VN về trường hợp trên, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, trước ngày 01/01/2007 (ngày Luật BHXH năm 2006 có hiệu lực thi hành) do pháp luật quy định không khống chế trần tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, cho nên người lao động này đã được doanh nghiệp đóng BHXH trên nền tiền lương hàng tháng rất cao. Trong đó, có giai đoạn tiền lương hàng tháng làm căn cứ đóng BHXH cao nhất lên tới 249 triệu đồng.

Năm 2015, khi nghỉ hưu, người dân này chỉ được 87 triệu đồng tiền lương hưu nhưng qua 2 lần điều chỉnh tiền lương hưu là 7,4% và trên 8% thì người này đã được hưởng mức lương hưu lên đến 101 triệu đồng.

Vì vậy, người dân được hưởng lương hưu lên đến hơn 100 triệu đồng/tháng là hoàn toàn không có gì sai vì họ đóng BHXH cao thì khi về hưu họ được hưởng lương cao, đúng theo nguyên tắc “đóng nhiều-hưởng nhiều”.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, từ sau ngày 1/1/2017, do Luật BHXH mới có quy định khống chế mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở hiện nay. Việc khống chế mức đóng BHXH như hiện nay nhằm đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo quyền lợi cho phần lớn người lao động.

"Chúng ta không để cho người có thu nhập cao đóng BHXH cao điều tiết việc đóng bảo hiểm mà là để cho đa số người lao động điều tiết ở mức đóng vừa phải", ông Bùi Sỹ Lợi nói.

Kiểm soát mức đóng BHXH như thế nào?

Nếu đất nước phát triển, hoàn toàn có thể chấp nhận việc lương hưu của một người lên đến hàng trăm triệu. Tuy nhiên, vấn đề là phải kiểm soát mức đóng của người dân như thế nào để không vỡ quỹ BHXH mà vẫn huy động sự đóng góp BHXH cao của người dân.

luong huu hon 100 trieu dong co nen kiem soat muc dong bhxh
Ông Trương Minh Hoàng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Trao đổi về vấn đề này, ông Trương Minh Hoàng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, trong thời điểm chưa có quy định khống chế đóng BHXH cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở thì việc được hưởng lương hưu lên đến hơn 100 triệu đồng của người dân ở TP HCM là hoàn toàn hợp lý, đúng quy định. Chúng ta không thể hồi tố về trường hợp này.

Luật BHXH đang tiếp tục có những điều chỉnh theo hướng chia việc đóng BHXH theo từng giai đoạn như 8, 10 năm hoặc chia bình quân đóng tiền trong suốt thời gian đóng BHXH.

Nếu người lao động thực hiện theo quy định đóng BHXH cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở đến khi về hưu, họ được chia bình quân số tiền đóng cũng là rất bình thường.

Việc người dân làm việc đến tuổi nghỉ hưu, đóng BHXH cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở thì khi đến khi về hưu, họ được hưởng cao nhất là 75% của tổng bình quân của số tiền những năm tham gia BHXH.

Như vậy, quy định như trên sẽ không còn trường hợp như người dân được hưởng lương hưu lên 101 triệu đồng nữa.

Khi đất nước ngày càng phát triển, hệ số, khung lương sẽ thay đổi nhưng chúng ta luôn khuyến khích người lao động đóng BHXH cao để khi nghỉ hưu được hưởng lương cao.

Còn việc kiểm soát mức đóng bảo hiểm của người đóng BHXH với mức lương cao như thế nào nên dựa theo Luật BHXH, luật quy định tại thời điểm đóng BHXH của người lao động.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội lại có quan điểm, trước khi người lao động quyết định đóng BHXH với mức cao cũng đã phải xem xét kỹ quy định của Luật BHXH và thỏa thuận với cơ quan đóng BHXH. Đây là quyết định tự nguyện của người đóng BHXH và thực hiện theo thỏa thuận dân sự.

“Nếu cơ quan pháp luật can thiệp vào việc đóng BHXH cao của người dân thì lại là quan hệ pháp luật. Chúng ta cần cân nhắc cơ quan pháp luật có nên nhất thiết can thiệp vào việc này hay không”, ông Nguyễn Sỹ Dũng nói.

Mức đóng BHXH phải đảm bảo cho người thu nhập thấp

Từ sau ngày 1/1/2017, Luật BHXH mới có quy định khống chế mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở hiện nay. Tuy nhiên, điều này khiến người dân băn khoăn là mâu thuẫn với việc kêu gọi người dân đóng BHXH cao để được hưởng lương hưu cao.

Đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP HCM) nêu ý kiến: Chúng ta không nên bỏ quy định khống chế mức đóng BHXH cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở. Bởi vì nếu để cho nhiều người lao động có thu nhập cao đóng BHXH cao thì trong tương lai chúng ta sẽ vỡ quỹ BHXH khi chi trả lương hưu cho những người này và không đảm bảo được mục tiêu an sinh xã hội.

luong huu hon 100 trieu dong co nen kiem soat muc dong bhxh

Đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP HCM)

Điều quan trọng là cơ quan bảo hiểm cần có thống kê thu nhập, nguồn thu của từng nhóm người tham gia BHXH ở các mức khác nhau (mức cao, mức trung bình, mức thấp) nhằm tính toán xem mức thu BHXH so với mức chi trả trong tương lai có bị thiếu hụt không để đưa ra mức thu hợp lý với từng đối tượng khác nhau.

Theo đại biểu Trần Anh Tuấn, việc mở rộng khuyến khích người đóng BHXH cần tính toán dựa trên đảm bảo an sinh xã hội, làm sao cho tầng lớp có thu nhập thấp, yếu thế trong xã hội để khi họ về hưu có khả năng đảm bảo cuộc sống và được hưởng lương hưu.

Việc có nên bỏ quy định khống chế mức đóng BHXH cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở nên tính toán đến có lợi cho nhóm người làm công ăn lương, thu nhập thấp. Vì thế, cơ quan bảo hiểm phải tính nhóm người này chiếm bao nhiêu %, đa số hay không chiếm đa số người dân. Nếu nhóm người này chiếm đa số thì nên giữ quy định khống chế mức đóng BHXH cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở. Còn không thì nên bỏ.

Ngoài ra, việc khuyến khích người đóng BHXH cao cũng phải song hành với việc khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động tăng lương cho người lao động có thu nhập thấp để họ đảm bảo cuộc sống, có thể đóng BHXH ở mức cao hơn./.