Điều chỉnh số năm lao động, lương hưu bị ảnh hưởng như thế nào?
Giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động. (Ảnh minh họa: TTXVN) |
Tuy nhiên, vì sao các chuyên gia lại cho rằng, về cơ bản lương hưu của người lao động sẽ không giảm?
Người lao động phải đóng bảo hiểm lâu hơn
Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, từ ngày 1/1/2018, tất cả những người về hưu, nếu đủ điều kiện nam 60 tuổi có 30 năm đóng bảo hiểm xã hội và nữ 55 tuổi có 25 năm đóng bảo hiểm xã hội thì tiền lương hưu của cả nam và nữ đều giảm sút một tỷ lệ nhỏ (khoảng 2% với nam và 1% với nữ).
Từ năm 2018, lao động nam phải đạt 31 năm đóng bảo hiểm xã hội thì mới được hưởng lương hưu vơi tỷ lệ cao nhất là 75% và có lộ trình tăng dần đến năm 2020 phải tham gia bảo hiểm xã hội đủ 35 năm mới được hưởng lương hưu với tỷ lệ 75%.
Đối với phụ nữ về hưu trước năm 2018 thì đóng bảo hiểm xã hội 15 năm được hưởng 45%, sau đó cứ mỗi năm tham gia bảo hiểm xã hội được cộng thêm 3% nhưng bắt đầu từ năm thì 2018 chỉ được cộng thêm 2% và phụ nữ phải tham gia bảo hiểm xã hội 30 năm mới được hưởng lương hưu với tỷ lệ 75%.
Số năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu là 75%:
Như vậy, người lao động phải tăng thời gian tham gia bảo hiểm xã hội thêm 5 năm nữa mới được hưởng 75% lương. Đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ năm 25 tuổi sẽ đủ 30 năm tham gia bảo hiểm xã hội với nữ và 35 năm với nam khi nghỉ hưu để hưởng lương hưu tối đa là 75%.
Việc đóng thêm bảo hiểm xã hội sẽ chỉ xảy ra với một số người lao động vì lý do nào đó đi làm muộn, tham gia bảo hiểm xã hội khi đã cao tuổi. Với những người tham gia vào thị trường lao động muộn thì người lao động sẽ phải tiếp tục đóng thêm để đảm bảo công bằng, theo nguyên tắc đóng-hưởng nhằm nhận được lương hưu ở mức tối đa 75%.
Sự điều chỉnh này đã khiến những người về hưu trong một vài năm sắp tới muốn được về hưu sớm để không bị giảm trừ lương hưu theo quy định mới. Tuy nhiên, người lao động muốn nghỉ hưu sớm, ngoài điều kiện quy định về độ tuổi, số năm đóng bảo hiểm xã hội còn phải giám định sức khỏe.
Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, việc ra Hội đồng Giám định y khoa để kiểm tra có suy giảm sức lao động hay không đều có quy trình, quy định cụ thể, không phải người lao động cứ muốn là có thể về hưu sớm trước tuổi. Hiện nay cơ quan bảo hiểm xã hội đang thống kê số lượng người nghỉ hưu trước tuổi của thời điểm kết thúc quý 1/2017 so với những năm trước, tuy chưa có con số chính thức nhưng sơ bộ thì chưa có đột biến.
Ông Phạm Lương Sơn cũng đề nghị người lao động cần cân nhắc kỹ, bởi không phải ai nghỉ hưu sớm cũng có lợi do mỗi năm người lao động nghỉ hưu sớm sẽ bị trừ 2% lương hưu.
Chi trả lương hưu cho người lao động. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+) |
Lương hưu sẽ không giảm
Cùng với điều chỉnh quy định phải đóng bảo hiểm xã hội lâu hơn 5 năm để hưởng tỷ lệ lương hưu cao nhất là 75%, Luật Bảo hiểm xã hội cũng quy định sẽ phải đóng bảo hiểm xã hội trên tổng thu nhập. Điều này đồng nghĩa với việc mức lương hưu cũng sẽ tăng do mức đóng bảo hiểm xã hội làm cơ sở tính lương hưu là tổng thu nhập chứ không phải là tiền lương, phụ cấp theo hợp đồng lao động.
Lý giải về việc lương hưu sẽ tăng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội - ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tăng lên liên tục trong nhiều năm qua. Khu vực Nhà nước sau 22 năm (từ năm 1995-2017) đã điều chỉnh lương cơ sở 15 lần, tăng 10,83 lần (từ 120.000 đồng lên 1.300.000 đồng). Khu vực ngoài nhà nước, sau 10 năm (giai đoạn 2008- 2017) đã điều chỉnh tiền lương tối thiểu theo 4 vùng 10 lần. Cụ thể, vùng 4 tăng 4 lần (từ 650.000 đồng lên 2.580.00 đồng), vùng 1 tăng 4,7 lần (từ 800.000 đồng lên 3.750.000 đồng). Đây là cơ sở để bù đắp mức lương hưu do giảm trừ tỷ lệ từ năm 2018.
“Thực ra lương hưu về tỷ lệ hưởng có giảm sút, nhưng sự giảm sút này nếu chúng ta thực hiện tốt và đồng bộ chính sách về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thì đương nhiên vấn đề này hoàn toàn được khắc phục. Rõ ràng là đóng bảo hiểm xã hội cao hơn thì sẽ được hưởng lương hưu cao hơn và nếu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội càng nhiều thì tiền lương hưu càng cao,” ông Bùi Sỹ Lợi nói.
Điều này sẽ tiếp tục được điều chỉnh từng bước theo lộ trình. Đến năm 2025, người lao động bắt đầu tham gia BHXH, thì đến 2045 - sau 20 năm, người lao động cả ở khu vực công lẫn khu vực tư, đủ tuổi nghỉ hưu thì tiền lương hưu sẽ tính bình quân cả quá trình. Như vậy, thể hiện sự công bằng, minh bạch và chính sách bảo hiểm xã hội luôn luôn đi theo nguyên tắc đóng- hưởng.
Luật Bảo hiểm xã hội thiết kế để cho người lao động có thể bị giảm nhưng sẽ giảm nhẹ (năm 2018, nam mất 2%, nữ mất 1%), nhưng phải bù lại 14% chủ sử dụng lao động và 8% của người lao động đóng bảo hiểm xã hội trên cơ sở mức lương cao hơn nên khi tính lương hưu dựa trên tiền lương làm căn cứ tính hưởng cao hơn.
Ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh: “Chúng ta đang hướng tới sàn an sinh xã hội và sàn lương hưu để tất cả người về hưu mức hưởng thấp nhất cũng ở sàn tối thiểu, ai đóng cao hơn thì được hưởng cao hơn.”
Ông Phạm Lương Sơn cho biết, một trong những nguyên lý chung của bảo hiểm xã hội nói chung và chế độ hưu trí nói riêng là theo đóng-hưởng và đảm bảo sự công bằng cho những người tham gia vào quỹ bảo hiểm xã hội.
“Việt Nam hiện nay có tỷ lệ hưởng lương hưu hiện lên tới 75% trong quá trình 25 năm đối với lao động nữ và 30 năm đối với nam. Tính ra tỷ lệ hưởng lương của nam là 2,5%/năm đóng BHXH, nữ 3% năm. Trong khi trung bình của các nước trên thế giới, tỷ lệ hưởng có 1,7%. Như vậy, thay đổi công thức tính là một xu thế tất yếu vừa để hoàn thiện chính sách pháp luật, vừa để hướng tới đảm bảo nguyên lý đóng-hưởng của bảo hiểm xã hội,” ông Phạm Lương Sơn nói./.