Luật sư vụ chạy thận: Không có căn cứ để trả hồ sơ
Sáng 30/5, TAND TP Hòa Bình tiếp tục mở phiên sơ thẩm xét xử đối với 3 bị cáo trong vụ án chạy thận khiến 9 người tử vong.
Luật sư Biên (áo trắng) trong phiên tòa sáng 30/5. |
Sáng nay, luật sư Hoàng Ngọc Biên (bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương) mở đầu phần đối đáp với Viện Kiểm sát nêu quan điểm: "Không có cơ sở để trả hồ sơ điều tra bổ sung theo đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát".
Vị luật sư này lý giải: "Khi xem xét về trách nhiệm trong vụ án thì Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra và điều tra viên thụ lý hồ sơ vụ án phải chịu trách nhiệm trong giai đoạn điều tra. Với cơ quan truy tố, trách nhiệm thuộc về Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát và Kiểm Sát viên tham gia vụ án. Với Tòa án, khi xét xử công khai, trách nhiệm thuộc HĐXX và nghị án theo đa số, không có trách nhiệm của Chánh án".
Do vậy, Luật sư Biên lập luận rằng: "Trong phạm vi trách nhiệm này không có căn cứ để trả hồ sơ".
Vị luật sư của bác sỹ Lương dẫn điều luật: "Theo khoản 1 Điều 320 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, trong quá trình thẩm vấn, xét hỏi và luận tội, nếu Viện Kiểm sát thấy không có đủ căn cứ thì phải rút Quyết định truy tố và đề nghị tuyên bố vô tội. Không phải thấy sai rồi thì trả lại hồ sơ".
Vị luật sư tiếp tục dẫn điều luật theo "khoản 4 Điều 326 Bộ luật Tố tụng hình sự có nội dung liên quan vấn đề nghị án. Trường hợp Viện Kiểm sát rút Quyết định truy tố thì HĐXX vẫn xét xử bình thường và nếu thấy bị cáo không phạm tội thì tuyên bố bị cáo không phạm tội".
Từ những lập luận trên, luật sư Biên cho rằng, không có căn cứ để HĐXX xem xét trả hồ sơ theo đề nghị của Viện Kiểm sát.
"Khi cân nhắc truy tố 1 người, không phải thích thì truy tố, không thích thì rút về” - luật sư Hoàng Ngọc Biên nhấn mạnh.
Theo luật sư Biên, đây là vụ án liên quan đến thiết bị khoa học và trong khi tại phiên tòa này, toàn những người không hiểu về khái niệm RO lại cứ đi cãi nhau mãi không xong.
Về quan điểm của Viện Kiểm sát cho rằng, bị cáo Lương phải chịu trách nhiệm trong việc ra y lệnh, nếu bác sỹ Lương xin ý kiến Trưởng khoa trước khi ra y lệnh sẽ được miễn trừ trách nhiệm, luật sư Biên đối đáp, không có quy định nào buộc bác sỹ phải xin ý kiến Trưởng khoa trước khi ra y lệnh, trừ trường hợp bệnh nhân trong tình trạng phức tạp cần phải hội chẩn bởi hội đồng chuyên môn.
Cuối phần đối đáp, vị luật sư này đề nghị: “Để tìm ra sự thật cần tham vấn ý kiến các nhà chuyên môn. Tôi đề nghị HĐXX áp dụng Điều 256 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 tuyên bác sỹ Lương vô tội. Còn lại, tôi đề nghị Viện Kiểm sát tiếp tục làm rõ 7 câu hỏi trong phần tranh luận”.
Luật sư tiếp tục đề nghị xem xét trách nhiệm của Bộ Y tế
Cũng trong phần tranh luận với Viện Kiểm sát sáng nay (30/5), luật sư Trần Hồng Phúc (bào chữa cho bác sỹ Lương) đề nghị Viện Kiểm sát xác định trách nhiệm của Bộ Y tế để có những kiến nghị kịp thời về công tác quản lý thiết bị y tế của nhà nước.
Luật sư Phúc (đang đứng) tại phiên xét xử vụ chạy thận. |
"Tôi không đồng ý với cách trả lời của Bộ Y tế. Nếu như không có cảnh báo sẽ còn nhiều sự cố như Hoà Bình xảy ra", luật sư Phúc nói.
Trước đó, trong phần trả lời chiều 29/5, đại diện Bộ Y tế cho biết, đơn vị này đã tổng hợp những thông tin từ các Vụ liên quan để trả lời văn bản 4342 cho cơ quan điều tra. Từ đó, xác định rằng, đối với tiêu chuẩn AAMI bắt buộc duy nhất với trường hợp hệ thống RO lắp đặt lần đầu, vận hành mới trước khi sử dụng thì phải xét nghiệm AAMI. Còn các xét nghiệm định kỳ, xét nghiệm tồn dư hóa chất là bắt buộc, khuyến cáo thêm xét nghiệm định kỳ chỉ cho 2 xét nghiệm vi sinh Bacterial và Endotoxin.
Luật sư Phúc cho rằng, nếu đọc bộ tiêu chuẩn này, Bộ Y tế có thể có sự nhầm lẫn về kiến thức, một xét nghiệm AAMI phải đảm bảo 25 chỉ số lý hóa và vi sinh, chứ không chỉ có 2 chỉ số trên (xét nghiệm định kỳ Bacterial và Endotoxin- pv).
Luật sư tiếp tục trình bày: "Trong hồ sơ không hề có sự thu thập nguồn kiến thức nào về AAMI, cho nên nếu dựa trên vấn đề này để đánh giá, buộc tội các bị cáo khi không có tài liệu chứng cứ, kết luận chuyên môn chính xác, gây hiểu nhầm cho cơ quan tố tụng.
Cuối phần trình bày, luật sư Phúc đề nghị HĐXX xem xét trách nhiệm của Bộ Y tế đã làm sai. Bởi lẽ, theo luật sư, thời gian tố tụng vụ án này đã kéo dài đến hơn 11 tháng mà không thể ra được một bản án, không thể xét xử được các bị cáo chỉ vì một công văn trả lời mà các kiến thức không chuẩn, không thống nhất, có sự mâu thuẫn và có nhiều điểm bất lợi để buộc tội đối với bị cáo Hoàng Công Lương./.