Loại bỏ cây ngô đồng trong trường học sau hàng loạt vụ ngộ độc tập thể
Cây ngô đồng được trồng nhiều ở các trường học để tạo cảnh quan do tán rộng, lá xanh tốt quanh năm |
Trong ngày 20/4, 20 em học sinh Trường tiểu học Nghi Hòa (thị xã Cửa Lò, Nghệ An) nhập viện trong tình trạng đau bụng, đi ngoài, nôn ói. Thống kê của chính quyền địa phương và Ban giám hiệu nhà trường thì có 49 em học sinh khối 2 của trường này đã ăn hạt quả ngô đồng vì tưởng đây là hạt quả óc chó. Đến tối 20/4, các học sinh còn lại cũng được đưa đến bệnh viện kiểm tra và theo dõi sức khỏe. Sáng 21/4, tất cả học sinh này đều ổn định sức khỏe, trở lại trường học.
Tiếp đó, tối ngày 21/4, 37 học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Quỳ Châu (huyện Quỳ Châu, Nghệ An) cũng phải nhập viện cấp cứu sau khi ăn hạt của quả cây ngô đồng. Sau khi được truyền dịch, tình trạng sức khỏe của các em đã ổn định. Đến sáng 22/4, các học sinh này đã đi học bình thường.
Trước tình trạng liên tiếp các em học sinh phải nhập viện sau khi ăn hạt quả cây ngô đồng (loại cây được trồng nhiều trong các trường học tại Nghệ An nhằm tạo cảnh quan do tán rộng, lá xanh tốt quanh năm), Sở GD&ĐT Nghệ An đã ban hành công văn khẩn số 698 về việc “phòng ngừa ngộ độc do độc tố tự nhiên ở một số loài cây, hoa, quả trong khuôn viên trường học”.
Protein độc có trong nhựa và hạt của quả cây ngô đồng, khi ăn phải dễ bị ngộ độc, nghiêm trọng hơn có thể gây chết người. |
Tại công văn này, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục kiến thức về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, phòng chống ngộ độc đối với các loại độc tố tự nhiên, Sở GD&ĐT Nghệ An chỉ đạo các trường học rà soát, loại bỏ ngay và không trồng các loại cây, hoa có chứa các hợp chất gây độc được trồng làm cảnh hoặc học hoang dại trong khuôn viên nhà trường. Nếu phải trồng với mục đích học tập, nghiên cứu cần có biển báo và các biện pháp kiểm soát an toàn phù hợp.
Trong công văn của Sở GD&ĐT Nghệ An thì các loại cây, hoa có chứa các hợp chất có khả năng gây độc thường gặp khi ăn phải gồm cây lá ngón, cà độc dược (chứa Alcaloid độc); cây trúc đào, cây thông thiên, cây đai vàng, cây bông tai (chứa Glicosid tim); cây thầu dầu và cây ngô đồng (chứa Protein độc).