Liệt mặt, méo miệng chỉ sau 1 cốc bia
Ông L. V. Đ ở phố Yên Hoa (Hà Nội) sau khi chơi thể thao đã cùng các bạn kéo đi nhậu, trò chuyện rôm rả như mọi ngày. Sau vài ly bia thì một người nhìn ông rồi kêu lên: “Mặt ông sao méo xẹo thế kia?”. Ông chạy ra xe máy gần đó soi gương đã thấy bị liệt mặt méo miệng.
Không biết từ lúc nào má phải của ông đã xệ xuống, xô thành nhiều nếp nhăn, phần rãnh mũi, má biến mất, mắt bên phải xếch lên, nhưng không nhắm lại được. Còn miệng bị kéo lệch nên giọng nói không chuẩn, cũng không khép kín được.
Từ lúc phát hiện triệu chứng, tới lúc về nhà thì lưỡi ông đã khó cử động, nói ngọng và cái mặt thêm méo rất khó chịu. Biết đã mắc chứng liệt dây thần kinh nào đó, nên ông đến bệnh viện khám ngay. Các bác sĩ tây y bảo ông bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại vi, cần châm cứu mới mau hồi phục. Thế là ông đến Viện Châm cứu TƯ (Hà Nội) châm cứu.
Ảnh minh họa |
Ông Nguyễn Văn Thường (Từ Sơn, Bắc Ninh) sáng ngủ dậy vừa dợm chân bước xuống thì choáng váng, ngã vật ra. Vợ con tưởng bị cảm vội đưa lên giường và cạo gió. 10 phút sau phát hiện ông bị méo mồm, vợ ông lại cạo gió tiếp, nhưng càng cạo lại càng méo miệng hơn, nói ú ớ làm vợ con phát hoảng phải đưa đi viện. Bác sĩ cấp cứu kêu trời, bảo ông bị cao huyết áp không cho uống thuốc hạ áp, lại đè ra cạo gió, đánh cảm, may mà còn sống.
Chị Nguyễn Thu Hồng (Gia Lâm, Hà Nội) thường xuyên thức khuya làm việc, có đêm đến 2 - 3 giờ sáng. Mới đây chị bị méo mồm, liệt nửa mặt. Đi khám tìm nguyên nhân mới biết bệnh của chị là do thức khuya gây ra. Tuy đã châm cứu, uống thuốc khỏi rồi, nhưng chị vẫn nơm nớp sẽ bị tái phát và không dám thức khuya nữa.
Nguyên nhân do đâu?
Ông L. V. Đ thắc mắc với bác sĩ là tại sao ông tập luyện thể dục thể thao đều, nên sức vóc cường tráng, ổn định mà lại mắc chứng liệt mặt, méo miệng này? Các bác sĩ giải thích rằng, nguyên nhân gây liệt mặt méo miệng thì nhiều, hay gặp là liệt mặt ngoại biên (liệt dây thần kinh 7 ngoại vi) do lạnh. Chứng này thường xảy ra đột ngột, như khi ngủ dậy bỗng thấy cười nói khó, soi gương đã thấy mặt méo, đánh răng súc miệng nước trào một bên mép.
Đặc biệt cảnh báo các quý ông thích "chém gió", nhậu khuya, uống nhiều bia rượu rồi đi về trong đêm có khả năng lớn mắc chứng liệt mặt méo miệng. Nghe bác sĩ nói, ông N. L. Đ biết bị liệt mặt méo miệng lần này có thể do ông thường xuyên đi đánh tennis về khuya, tắm muộn nên mắc phải.
Ảnh minh họa |
Chữa đông y hay tây y?
Theo BS Phạm Hữu Lợi (Viện Châm cứu TƯ), người bị trúng gió méo miệng, liệt dây thần kinh số 7 trong 3 ngày đầu tiên phần lớn chữa khỏi và hồi phục, không để lại di chứng.
Việc châm cứu phải điều trị liên tục 10-15 ngày. Nhưng điều trị chậm, hoặc điều trị không đúng cách sẽ tiến triển xấu, gây biến chứng và di chứng như viêm loét giác mạc, co giật cơ mặt, co cứng nửa mặt...
Điều trị liệt dây thần kinh số 7, thường bác sĩ cho châm cứu bên liệt (gọi là ôn châm, điện châm ở các huyệt giáp xa, địa thương, thảo đường, và các huyệt ấn đường, nghinh hương, hợp cốc), kết hợp xoa bóp, bấm huyệt, tập luyện cơ... Trong vòng 4 - 6 tuần rất hiệu quả, cũng có trường hợp phải điều trị 2 - 3 đợt mới có thể phục hồi.
Quá trình chữa bệnh không nên ăn thịt bò, tôm, cua, cá, rau muống sẽ không tốt cho quá trình chữa bệnh.
Các bác sĩ tây y thường chữa liệt mặt, méo miệng bằng chạy điện nóng và làm sóng ngắn ngay ngày đầu mắc bệnh. Hướng dẫn bệnh nhân tập các động tác ở mặt, trán, môi miệng.
Những trường hợp nhanh chóng chuyển sang liệt co cứng nửa mặt có thể phải phẫu thuật. Nhưng điều trị gì cũng cần tới bệnh viện chuyên khoa thần kinh để bác sĩ khám trực tiếp, phát hiện đúng nguyên nhân gây bệnh mới có phác đồ điều trị chính xác.
Các cơ sở y tế tuyến xã, huyện các bác sĩ đều có thể phân biệt tổn thương, hướng dẫn điều trị, tư vấn bảo vệ mắt.
Các BV lớn như Viện Châm cứu TƯ vừa châm, cứu, xoa bóp bấm huyệt, vừa có thuốc hỗ trợ thêm. Khỏi bệnh được hướng dẫn cách sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi để tránh tái phát. Người bệnh không nên chữa trị liệt mặt, méo miệng theo các mẹo truyền khẩu.
Phòng bệnh
- Không nên nhậu bia rượu về khuya.
- Trời lạnh giá không nên uống rượu cho ấm người, bởi men cồn ấm cơ thể, nhưng giã rượu sẽ bị lạnh. Nguy hiểm hơnlà lượng cồn trong máu đưa đến não và các cơ quan khác khiến mạch máu ở đó co lại (hoặc giãn ra tùy người), sẽ làm cơ thể mất nhiều nhiệt. Hơi ấm thoát ra nếu gặp phải khí lạnh rất dễ bị cảm, trúng gió nặng.
- Ban đêm lạnh giá, ra khỏi chăn cần khoác thêm áo ấm để tránh bị nhiễm lạnh.
- Nếu ở trong nhà, cần tiếp xúc với môi trường lạnh (như mở cửa sổ, ra ngoài trời…)
- Nâng cao sức đề kháng bằng tập thể dục thường xuyên; ăn uống đủ chất, tăng cường ăn rau xanh, trái cây chín, uống nước cam, nước chanh hoặc uống bổ sung vitamin C tổng hợp.
- Giữ mặt cho ấm (quấn khăn len nếu trời lạnh).
- Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài để tránh bị lây nhiễm các bệnh do siêu vi khuẩn gây ra.
- Thường xuyên tập các động tác ở mặt, ở trán, ở môi miệng.
- Nếu phải tắm đêm, cần rửa người nhanh bằng nước nóng ấm. Phòng tắm cần kín gió.