LHQ đánh giá cao việc Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình
Đây là hoạt động mở màn cho chuyến thăm và làm việc của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh tại Hoa Kỳ kéo dài đến hết ngày 18/10.
Nhân dịp này, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh về các nội dung chính của chuyến công tác.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết mục đích quan trọng của chuyến công tác Liên hợp quốc lần này là gặp gỡ các nhà lãnh đạo Liên hợp quốc để thảo luận những nội dung liên quan đến hợp tác giữa Liên hợp quốc và Việt Nam trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh và hoạt động gìn giữ hòa bình, với việc Việt Nam chuẩn bị đưa bệnh viện dã chiến cấp II tham gia phái bộ ở châu Phi.
Cụ thể, Việt Nam đã thảo luận với Liên hợp quốc về việc đảm bảo năng lực, an toàn và khả năng hoàn thành nhiệm vụ của lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình ở các phái bộ.
Việt Nam cũng đề nghị Liên hợp quốc hỗ trợ cả về trách nhiệm và ý thức của họ đối với Việt Nam, một quốc gia tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn trong công tác huấn luyện, tiền triển khai, lên kế hoạch...
Đáp lại, Liên hợp quốc rất ủng hộ Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình, đồng thời cam kết sẽ giúp Việt Nam nâng cao năng lực để đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ. Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, dư luận quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc, đánh giá rất cao sự tham gia của Việt Nam vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Trước hết là bởi ý nghĩa chính trị, khi Việt Nam là quốc gia đã tiến hành cuộc chiến tranh chính nghĩa chống lại quân xâm lược và giành thắng lợi, giờ đây quân đội Việt Nam lại tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình.
Cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki moon cho rằng điều này đã chứng minh tính chính nghĩa của hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Bên cạnh đó, Việt Nam có nền tảng, có truyền thống của một quân đội mạnh, có kỷ luật, có ý chí chính trị rất tốt, được quản lý tốt. Việt Nam còn là quốc gia đang phát triển, còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết như là khắc phục hậu quả chiến tranh, song vẫn tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình cho những đất nước xa xôi. Điều này chứng tỏ Việt Nam là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Về việc đề nghị Liên hợp quốc giúp khắc phục hậu quả của chiến tranh, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh đây chính là nội dung trọng tâm của Việt Nam trong đợt công tác này, không chỉ tại Liên hợp quốc mà còn cả tại thủ đô Washington DC của Hoa Kỳ.
Trong những năm vừa qua, Việt Nam đã có những nỗ lực bằng nguồn lực của chính phủ, của nhà nước, của nhân dân để khắc phục hậu quả chiến tranh, chủ yếu là khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc dioxin. Hợp tác của Việt Nam với quốc tế để tìm kiếm những nguồn lực nhằm khắc phục hậu quả này cũng rất hiệu quả. Tuy nhiên, khắc phục hậu quả chiến tranh còn thuộc về vấn đề phát triển chứ không chỉ đơn thuần là hoạt động nhân đạo như trước đây.
Ngoài nguồn lực từ nhà nước và nhân dân, Việt Nam cần phải tìm kiếm hỗ trợ quốc tế. Do đó, việc cần làm là phải tuyên truyền quốc tế, làm cho thế giới hiểu rằng Việt Nam đang vướng phải những hậu quả nặng nề như thế nào, xây dựng những chiến lược, kế hoạch để triển khai, xây dựng các chương trình để huy động nguồn lực quốc tế.
Liên hợp quốc đã cam kết sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam xây dựng các kế hoạch tìm kiếm nguồn lực, và quan trọng là khiến thế giới thấy rằng Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn do ô nhiễm môi trường sau chiến tranh và thế giới cần phải có trách nhiệm hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả này. Ngược lại, Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh và sẵn sàng chia sẻ với các nước khác có hoàn cảnh tương tự.
Theo kế hoạch, sau chuyến thăm Liên hợp quốc, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh sẽ tới thủ đô Washington để tham dự đối thoại chính sách quốc phòng cấp thứ trưởng Việt Nam-Hoa Kỳ, với nội dung trọng tâm của đối thoại lần này là khắc phục hậu quả chiến tranh.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết Việt Nam ghi nhận Hoa Kỳ đã rất có trách nhiệm trong năm vừa qua trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam, trong vấn đề bom mìn và đặc biệt là vấn đề dioxin. Hoa Kỳ đã hỗ trợ Việt Nam thực hiện dự án tẩy độc dioxin Đà Nẵng trị giá 100 triệu USD, và trong tháng 11, Việt Nam sẽ tuyên bố hoành thành dự án này, vượt dự kiến cả về kỹ thuật, công nghệ và thời gian.
Tuy nhiên, hợp tác đó là chưa đủ vì những gì mà cuộc chiến tranh để lại vẫn còn rất nặng nề. Do đó, tại diễn đàn lần này, Việt Nam sẽ đề nghị Hoa Kỳ tiếp tục hợp tác để thực hiện dự án ở sân bay Biên Hòa và nhiều dự án khác nữa./.