Lẹt đẹt nội địa hoá, giá xe Việt còn hơn xe Thái, “người trong cuộc” nói gì?
Ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng tiểu ban chính sách của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), chuyên gia tư vấn của Công ty Toyota Việt Nam cho rằng: Để hình thành nên một chiếc ô tô cần 30.000 chi tiết, phần lớn là mua từ nhà cung cấp. Tuy nhiên, ở ngành ô tô Việt Nam, 70% - 80% trong số chi tiết linh kiện trên phải nhập khẩu từ các nước xung quanh. Chi phí cao nên giá thành sản xuất một sản phẩm đắt đỏ hơn giá sản xuất của các nước trong khu vực.
Theo đại diện của VAMA, giá xe và chi phí sản xuất xe hơi tại Việt Nam cao hơn so với khu vực vì do 80% linh kiện phải nhập khẩu |
Ô tô Việt mới được bảo hộ cửa nhập đã mở tung
Ông Tuấn cho hay, trong 5 nước có chủ trương phát triển ngành ô tô, 4 nước là Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines đã có chính sách phát triển rất cụ thể.
"Với Việt Nam, chúng ta có chính sách nhưng chưa cụ thể. Với số dân hơn 94 triệu người, thị trường lớn mà Việt Nam không phát triển ngành ô tô thì không có lợi cho đất nước, phải thường xuyên nhập khẩu", ông Tuấn nói.
Đại diện VAMA cho rằng: Ngành ô tô Việt Nam tính đến nay quy mô còn nhỏ, mới giai đoạn đầu phát triển thì đã phải mở thị trường, năm 2018 khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN về Việt Nam bằng 0%, đây là khó khăn cực lớn của các DN ô tô trong nước.
Sản lượng nhỏ, dẫn đến chi phí sản xuất trên đầu sản phẩm cao, ở nước khác nhìn tổng sản phẩm gấp 4 hay 5 lần nhưng chi phí trên tổng mẫu thì Việt Nam hơn 8 lần. Trong 30.000 chi tiết thì số chi tiết công kềnh không nhiều nhưng đa số phải nhập khẩu, tỉ lệ nội địa hóa thấp và không đạt như mong đợi. Việc nội địa hóa linh kiện khó khăn nên phần lớn chi tiết phải nhập khẩu, khiến giá xe cao hơn.
Số lượng nhà cung ứng thấp, trong khi chi phí sản xuất cao mà thuế nhập khẩu sắp về 0% thì chúng ta đang dành thị trường cho nhà nhập khẩu. Nhà sản xuất nước ngoài họ hình thành cụm để giảm chi phí vận chuyển, còn chúng ta phải nhập từ xa nên chi phí vận chuyển cao.
"Thị trường ô tô VN tiềm năng bởi dân số đông, thu nhập tăng, cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển và hiện khoảng 89% người dân chưa có ô tô... Tiềm năng phát triển lớn và có thị trường rất lớn để phát triển", ông Tuấn nói.
Xin Chính phủ bỏ thuế nhập khẩu linh kiện ô tô từ Nhật, Hàn
Theo kiến nghị của ông Tuấn, để đối phó với xe nhập ngoại đang biến Việt Nam thành thị trường tiêu thụ, VAMA đề nghị Chính phủ bỏ thuế nhập khẩu linh kiện từ các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc.... nhằm giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành.
Còn theo ông Vũ Văn Long, Đại diện Công ty ô tô Trường Hải (Thaco): Trường Hải đã xây dựng cụm công nghiệp ô tô ở Quảng Nam, hiện có khoảng 23 công ty con phục vụ cho việc sản xuất. Tuy nhiên, những công ty này chỉ sản xuất một lượng nhỏ, còn lại Thaco phải nhập rất nhiều từ nước ngoài. Tìm mua trong nước, nhiều DN sản xuất và cung cấp cho Trường Hải lại chủ yếu ở phía bắc.
Tuy nhiên, chi phí logistics là cả một vấn đề, vận chuyển từ trong nam ra ngoài bắc phí quá cao. Đơn cử một chiếc xe nhập từ Thái, Hàn Quốc phí là 5 triệu đồng, nhưng cũng cùng một chiếc xe ấy vận chuyển từ Quảng Nam ra Hải Phòng cũng mất 3-4 triệu đồng. Có nhiều vấn đề, khó khăn ai cũng nhìn nhận được nhưng tháo gỡ và triển khai như nào thì không tháo được.
Ông Long nêu: "Hiện Việt Nam đã có những công ty nước ngoài đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ ô tô rồi, họ ở các khu chế xuất và xuất khẩu sang Mỹ, Nhật. Khi chúng tôi đặt vấn đề mua linh kiện của họ nhưng nhiều DN không muốn vì bán cho chúng tôi họ không được hưởng ưu đãi thuế".
Theo ông Tuấn, về chiến lược nội địa hoá cho ngành ô tô Việt Nam, VAMA không biết các hãng ra sao. Tuy nhiên, đối với Toyota, hiện sản xuất 4 dòng xe là Camry, Innova, Vios và Corolla Altis. "Thời điểm 2009, Toyota đã nội địa hoá 37% đối với xe Innova, tuy nhiên sau 2012, khi thuế đối với xe 5 - 7 chỗ ngồi thay đổi, chúng tôi không tăng tỷ lệ nội địa hoá dòng xe này thêm nữa", ông Tuấn nói.