Lấy đi một phần cây kim khâu trong tim của cậu bé 13 tuổi
(Ảnh minh họa: Văn Tý/TTXVN) |
Em N.V.H (13 tuổi) ngụ tỉnh Bình Phước trong một lần ngủ trưa đã bị một cây kim khâu bỏ quên trong gối đâm trúng lồng ngực. Sau khi bị kim đâm, em lấy tay rút cây kim ra nhưng rút giữa chừng thì cây kim bị gãy.
Lo sợ người lớn la mắng, em đã giấu việc mình bị kim đâm vào ngực. Hai tháng sau, em bắt đầu thấy mệt và vết đâm bắt đầu sưng tấy, ngực đau dữ dội và bị ngất. Trước tình trạng đó, gia đình đã đưa em H đến Bệnh viện Nhi đồng 1 để khám.
Ngày 16/6, bệnh nhân H nhập viện với thể trạng bình thường, tuy nhiên theo dõi trên điện tâm đồ, các bác sỹ phát hiện nhịp tim của bệnh nhân thỉnh thoảng có những cơn nhịp nhanh.
Mỗi khi đau quá, nhịp tim nhanh thì bệnh nhân lại bị ngất; đồng thời qua phim siêu âm, các bác sỹ nhận thấy tim bệnh nhân có tràn 1 ít dịch màng tim, vết thương có dấu hiệu nhiễm trùng.
Các bác sỹ quyết định phẫu thuật mở cơ ngực để lấy dị vật ra. Nhưng sau khi mở cơ ngực, không tìm thấy cây kim dị vật. Ngay lập tức, các bác sỹ tiến hành siêu âm lại bằng kỹ thuật CT Scanner và phát hiện cây kim đã di chuyển vào mõm tâm thất trái.
“Do trái tim co bóp liên tục nên cây kim có khuynh hướng di chuyển vào sâu trong tim khiến cho khi phẫu thuật lần 1, chúng tôi không tìm thấy dị vật,” bác sỹ Nguyễn Kinh Bang, Phó khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết.
Sau khi hội chẩn, bàn bạc kỹ, các bác sỹ quyết định mổ lần 2 để lấy dị vật ra khỏi tim bệnh nhân. Để thực hiện ca phẫu thuật này bắt buộc các bác sỹ phải ngưng tim bệnh nhân và chạy tuần hoàn ngoài cơ thể. Trước và trong suốt quá trình mổ, các bác sỹ liên tục siêu âm xác định vị trí chính xác của cây kim.
Theo bác sỹ Nguyễn Kinh Bang, êkíp phẫu thuật đã gặp áp lực rất lớn trong lần mổ thứ 2 này vì nếu xẻ tim ra mà không tìm thấy dị vật lại phải mổ chỗ khác sẽ gây tổn thương lớn cho tim bệnh nhân.
Ca phẫu thuật thứ 2 kéo dài 10 phút và sau cùng dị vật được lấy ra là một đầu kim dài 2cm. Do tồn tại tương đối lâu trong cơ thể nên cây kim bị gỉ sét khá nhiều. Sức khỏe bệnh nhân đang trên đà hồi phục tốt, nhịp tim hoàn toàn bình thường và có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Phó giáo sư, tiến sỹ Vũ Minh Phúc cho hay theo y văn thế giới khi gặp trường hợp có dị vật xâm lấn tim thường khoảng 80-90% trường hợp sẽ tiến hành phẫu thuật để lấy dị vật, số còn lại để nguyên dị vật trong tim do không có triệu chứng, không gây nhiễm trùng, tụ huyết khối, không gây tổn thương tim, không ảnh hưởng đến sức khỏe thì không cần thiết phải lấy ra.
Tuy nhiên, trường hợp của bệnh nhân N.V.H buộc các bác sỹ phải phẫu thuật lấy dị vật ngay bởi nếu không được mổ kịp thời sẽ gây biến chứng nhiễm trùng trong tim - một trong những nhiễm trùng nguy hiểm nhất. Bệnh nhân đã có dấu hiệu loạn nhịp tim, có thể gây ra rối loạn nhịp thất, dẫn đến rung thất.
Nếu chiếc kim nhú vào lòng của tâm thất sẽ kích hoạt hệ thống đông máu, tạo thành những cục huyết khối, theo đường máu trôi đi khắp cơ thể làm tắc mạch máu não gây triệu chứng thần kinh, tắc động mạch gây hoại tử những mạch máu nhỏ khác./.