Vào mùa viêm não Nhật Bản, nhiều trẻ nguy kịch
Sau nhiều ngày sốt cao liên tục, co giật, hôn mê, bé H.N.K. (3 tuổi, ngụ tại Vĩnh Long) được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1. Các kết quả thăm khám, xét nghiệm xác định, bệnh nhi bị viêm não Nhật Bản. Dù được điều trị tích cực, nhưng sau 1 tuần nằm viện, tình trạng của bé vẫn chưa cải thiện, tiên lượng nặng.
Viêm não Nhật Bản đang bắt đầu vào mùa, bệnh đã khiến nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng nặng |
Ngày 17/6, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho hay, hiện khoa đang điều trị cho 10 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản, đa số bệnh nhi đều trong tình trạng nặng. Ở thời điểm từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi ngày bệnh viện chỉ điều trị 3 đến 5 trường hợp nhưng khoảng 1 tháng qua, bệnh bắt đầu gia tăng. Đây là thời điểm viêm não Nhật Bản bắt đầu vào mùa và kéo dài cho đến hết tháng 10.
Phân tích chuyên môn của BS Trương Hữu Khanh chỉ ra: bệnh viêm não Nhật Bản do vi rút tồn tại trên vật chủ là chim di trú và heo, lây truyền cho con người qua trung gian là muỗi. Loài muỗi truyền bệnh thường sinh sống tại các vùng trồng lúa nước, vườn cây ăn trái, chuồng trại… chúng có thể bay xa với bán kính khoảng 300m.
Với đặc thù sống ngoài đồng ruộng nên việc tiêu diệt muỗi truyền bệnh viêm não Nhật Bản là phương án bất khả thi. Những ca bệnh viêm não Nhật Bản, đang điều trị tại Nhi Đồng 1, đa số được chuyển đến từ các tỉnh Đồng bằng Sông Cưu Long. Viêm não Nhật Bản không phải gánh nặng của người dân sinh sống tại thành phố, tuy nhiên nguy cơ nhiễm bệnh vẫn rất cao nếu không được chủng ngừa.
Bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản thường có các biểu hiện: sốt cao, ho, đau đầu, ói, tiêu chảy hoặc chỉ sốt mà không có biểu hiện khác. Bệnh có thể khởi phát đột ngột với các triệu chứng: sốt cao, thở mệt, co giật, hôn mê. Khi thấy trẻ xuất hiện các triệu chứng trên, phụ huynh cần đưa con đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị sớm.
Chủng ngừa là biện pháp hiệu quả để hạn chế nguy cơ mắc viêm não Nhật Bản |
Trẻ mắc viêm não Nhật Bản phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm, BS Hữu Khanh cho biết, khoảng 10% bệnh nhi mắc căn bệnh này sẽ tử vong, 30% khác bị di chứng bại não, động kinh, yếu liệt tứ chi... Việc điều trị viêm não Nhật Bản rất khó khăn, trung bình mỗi ca bệnh phải nằm viện từ 3 đến 4 tuần.
Tiêm ngừa viêm não Nhật Bản được xem là giải pháp hàng đầu. Tuy nhiên, theo phân tích của BS Hữu Khanh, trẻ đã chích ngừa viêm não Nhật Bản vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh bởi bệnh do nhiều loại siêu vi trùng khác nhau gây nên. Vì thế, bên cạnh tiêm vắc xin phòng bệnh người dân nên tăng cường các biện pháp diệt muỗi, ngủ mùng thường xuyên, phát quang bụi rậm quanh nhà, thường xuyên vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, khu chăn nuôi cần cách xa khu vực sinh sống của các hộ gia đình.
Ngành Y tế khuyến cáo, tiêm vắc xin chủng ngừa cho trẻ từ 12 tháng trở lên là biện pháp hiệu quả để hạn chế nguy cơ mắc bệnh viêm não Nhật Bản. Lịch tiêm chủng như sau: mũi 1 vào ngày tự chọn; mũi 2 cách mũi 1 tối thiểu 1 tuần; mũi thứ 3 cách mũi 2 tối thiểu 12 tháng; sau đó tiêm nhắc mỗi 3 năm một lần cho đến khi trẻ 15 tuổi. Không chỉ trẻ em mà ngay cả người lớn chưa có miễn dịch khi đi đến vùng bệnh viêm não Nhật Bản lưu hành cũng cần tiêm vắc xin phòng bệnh.
Việc tiêm chủng vắc xin viêm não Nhật Bản khá an toàn, sau khi tiêm trẻ có thể xuất hiện một số biểu hiện không mong muốn như sốt, sưng đỏ tại chỗ tiêm… Các biểu hiện này thường tự khỏi hoặc có thể điều trị bằng các thuốc thông thường. Sau tiêm chủng, trẻ phải được theo dõi 30 phút tại nơi tiêm, bên cạnh đó cha mẹ cần theo dõi sát tình trạng sức khoẻ của trẻ trong vài ngày sau tiêm.