Lãnh đạo Anh, Pháp bị chỉ trích nặng nề vì quyết định tấn công Syria
Giải trình trước Quốc hội ngày 16/4, Thủ tướng Anh Theresa May phải lý giải cho quyết định tham gia chiến dịch không kích Syria mà không được quốc hội phê chuẩn trước. Theo bà May, với tư cách Thủ tướng Anh, bà có trách nhiệm phải đưa ra quyết định và bà đã quyết định can thiệp "vì lợi ích quốc gia" của Anh và quyết định của bà không phải do sức ép từ Tổng thống Mỹ.
Tên lửa hành trình Tomahawk được phóng đi từ tàu khu trục USS Monterey của hải quân Mỹ vào rạng sáng ngày 14/4 (giờ Syria) và lao tới mục tiêu ở Syria. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
“Chúng tôi không cho phép việc sử dụng vũ khí hóa học trở thành việc bình thường trên lãnh thổ Syria, trên đường phố nước Anh, hay bất kì nơi nào. Chúng tôi không ra lệnh tấn công quân sự Syria vì Tổng thống Donald Trump yêu cầu mà chúng tôi hành động vì tin tưởng đó là điều đúng đắn cần làm và chúng tôi đã không hành động một cách đơn độc. Đã có sự ủng hộ quốc tế rộng rãi cho hành động của chúng tôi”, bà May nhấn mạnh.
Bà tuyên bố không tìm kiếm động thái “bật đèn xanh từ Quốc hội” do sự cần thiết phải hành động nhanh chóng. Khi được hỏi liệu bà có ra lệnh các cuộc không kích mới hay không nếu vũ khí hóa học được phát hiện sử dụng trong tương lai, bà chỉ tuyên bố, Anh quyết tâm ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hóa học.
Cũng tại cuộc chất vấn, thủ lĩnh Công đảng đối lập Jeremy Corbyn đã kêu gọi Quốc hội Anh thông qua một quy định ngăn Chính phủ được phép tự ý quyết định hành động quân sự trong hầu hết các trường hợp, cụ thể là cần có một đạo luật Quyền lực Chiến tranh nhằm hạn chế quyền của Chính phủ phát động chiến dịch quân sự.
Kết quả thăm dò dư luận Anh một ngày trước đó cũng cho thấy chỉ 36% người dân nước này ủng hộ quyết định can thiệp quân sự của Chính phủ Anh, trong khi có tới 40% ý kiến phản đối. Khoảng 54% số người được hỏi cũng nhất trí rằng Thủ tướng cần phải tiến hành tranh luận tại quốc hội và biểu quyết trước khi có hành động quân sự ở Syria.
Tương tự, tại Pháp, Tổng thống Macron cũng vấp phải sự chỉ trích về quyết định tấn công Syria mà không tham vấn trước với Quốc hội. Tại phiên họp chiều 16/4, lãnh đạo các phe cánh tả, cánh hữu và trung hữu đều chỉ trích vụ không kích Syria, cho rằng Tổng thống Macron đã không đưa ra được bất kì bằng chứng nào cho thấy chính quyền Syria đã sử dụng vũ khí hóa học vốn là cái cớ để liên quân Anh-Pháp-Mỹ phát động tấn công.
Do Hiến pháp của Pháp ngăn cản Tổng thống phải ra điều trần trước quốc hội, nên Tổng thống Macron không bị chất vấn trực tiếp từ các nhà lập pháp.
Trong không khí căng thẳng tại Quốc hội, Thủ tướng Edouard Philippe khẳng định Pháp không tiến hành một cuộc chiến chống Syria hoặc Tổng thống Bashar al-Assad. Tuy nhiên, theo ông, sẽ không có giải pháp chính trị nào cho vấn đề Syria nếu như việc sử dụng vũ khí hóa học không bị trừng phạt.
Giới quan sát cho rằng, lãnh đạo Anh, Pháp sẽ còn phải hứng chịu búa rìu dư luận nếu như kết quả từ các nhà điều tra của Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học không như điều mà họ cáo buộc.
Những rào cản đối với công việc điều tra của nhóm thanh sát viên Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học đã được khai thông khi giới chức Nga sáng 17/4 thông báo, nhóm thanh sát viên ngày 18/4 sẽ tới thị trấn Douma của Syria sau vài ngày chưa thể tiếp cận địa điểm xảy ra vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học này, vì lý do an ninh./.