Lan tỏa những việc làm theo gương Bác
“Heo đất” giúp hội viên nghèo
Bên hè đoạn đường trung tâm phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn có một quán cà-phê kiêm bán bánh mì của gia đình bác Trương Thị Mỹ Tài, hội viên Hội Phụ nữ khu vực ba, phường Ghềnh Ránh. Vừa lo bán hàng, bác vừa tiếp chuyện chúng tôi, gương mặt thoáng ửng đỏ vì chứng bệnh cao huyết áp và tim mạch.
Bác tâm sự, nhờ có quán cà-phê này mà hơn ba năm nay gia đình bác mới tạm yên tâm về kinh tế, còn trước đó thì vất vả vô cùng. Gia đình bác vốn không phải người gốc địa phương mà từ nơi khác chuyển đến làm ăn. Ban đầu, gia đình thuê căn nhà mấy chục mét vuông để ở, vợ chồng bác phải làm nhiều việc để mưu sinh. Nhưng rồi bệnh tật kéo đến, không chỉ bác bị bệnh mà chồng bác cũng phải nghỉ việc vì mất sức lao động, hai cô con gái thì một mắc bệnh tim bẩm sinh. Không lao động nặng được lại phải lo trả tiền thuê nhà, thuốc men khiến kinh tế gia đình đã khó khăn lại càng khó hơn.
Gia đình bác Trương Thị Mỹ Tài được chi hội cho vay mười triệu đồng để thuê mặt bằng, vừa sinh sống vừa bán hàng giải khát. Nhờ tần tảo buôn bán, giờ đây bác đã đã trả được vốn cho chi hội và có tiền để khám, chữa bệnh thường xuyên. Sức khỏe của bác và cô con gái ngày một tốt lên. Phó Chi hội trưởng phụ nữ khu vực ba phường Ghềnh Ráng Thái Thị Xuân cho biết: Đây là khu vực xa trung tâm, tập trung chủ yếu là người dân lao động, buôn bán nhỏ lẻ… cho nên tỷ lệ hội viên nghèo trong khu vực khá đông. Làm thế nào để giúp hội viên ổn định cuộc sống là trăn trở của lãnh đạo chi hội. Nuôi heo đất là hình thức tiết kiệm giúp nhau đầu tiên của chi hội, xuất phát từ Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh từ cuối năm 2000.
Hình thức “heo đất” tiết kiệm rất đơn giản, mỗi hội viên chi hội “nuôi” một heo đất, ngày ngày chị em tiết kiệm chi tiêu bỏ tiền vào nuôi heo; buổi sinh hoạt đầu tháng mang đến chi hội góp vào quỹ chung. Người ít, người nhiều, đều đặn duy trì từ năm này qua năm khác cho nên số tiền quỹ từ nuôi heo đất tiết kiệm của hội viên chi hội khu vực ba, phường Ghềnh Ráng đã lên tới cả trăm triệu đồng.
Ban đầu, tùy từng hoàn cảnh gia đình mà chi hội cho hội viên nghèo vay từ năm đến mười triệu đồng, không tính lãi. Cùng khu vực ba phường Ghềnh Ráng, cô Nguyễn Thị Nở cũng là hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Sau khi chồng mất, cô trở thành lao động chính của gia đình. Được hội cho vay 10 triệu đồng từ Quỹ “Heo đất nghĩa tình”, cô mua gia cầm, gia súc về nuôi, từ đó có tiền lo cho các con ăn học. Cảm kích vì được hội giúp đỡ, cô Nở cho biết: Chồng mất, gia đình không có nguồn thu nào, nhiều lần được hội hỗ trợ, giúp đỡ, cho vay tiền từ Quỹ “Heo đất nghĩa tình”, cô mở quán bán chè, gia đình có thu nhập ổn định, cuộc sống đỡ khó khăn hơn.
Theo Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ thành phố Quy Nhơn Nguyễn Thị Ánh Hồng tiết kiệm để giúp nhau chính là một cách học và làm theo tấm gương Bác Hồ của hội viên Hội Phụ nữ thành phố. Mỗi chi hội có hình thức tiết kiệm khác nhau như “nuôi heo đất nghĩa tình”, “heo đất tiết kiệm”, hũ gạo tình thương, quỹ tiết kiệm cộng đồng … Cho đến nay, các hình thức này được duy trì và phát huy hiệu quả, giúp rất nhiều hội viên có hoàn cảnh khó khăn ổn định và vươn lên trong cuộc sống.
Lan tỏa những việc tốt
Không chỉ giúp nhau trong hội, phụ nữ thành phố Quy Nhơn còn mở rộng, phát triển nhiều việc làm tốt ra cộng đồng. Mô hình “Tô cháo tình thương” của Hội Phụ nữ phường Lê Hồng Phong là một điển hình. Từ tháng 7-2012, cứ vào ngày mùng 1 và 15 (âm lịch) hằng tháng, Hội Phụ nữ phường phối hợp Đoàn Thanh niên, Hội Chữ thập đỏ phường nấu cháo, đưa cháo tới từng địa chỉ; lúc là bệnh viện, có lúc đến tận gia đình người già cô đơn. Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Lê Hồng Phong Lê Thị Niên chia sẻ: Bên cạnh việc làm tốt công tác giúp đỡ hội viên, Hội Phụ nữ phường luôn mong muốn giúp đỡ những người không phải hội viên nhưng có hoàn cảnh khó khăn. Để có được “tô cháo tình thương”, các chị em mỗi người một tay, người đi chợ, người nấu nướng, người lên danh sách, đưa cháo tới từng địa chỉ. Nhiều phường, xã đã học tập, nhân rộng mô hình này với các hình thức khác nhau như: “ổ bánh mì tình thương”, “nắm xôi tình thương”, “bếp ăn từ thiện” tại Trung tâm y tế huyện Hoài Nhơn …
Việc học và làm theo Bác luôn được các hội viên Hội Phụ nữ TP Quy Nhơn tham gia hăng hái, nhiệt tình. Bà Mang Thị Bộ, hội viên phụ nữ thôn Hải Đông, ngoài 70 tuổi, vẫn cặm cụi đan 30 chiếc áo len gửi tặng các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở đảo Trường Sa. Còn với bà Võ Thị Vân Khanh, 85 tuổi, ở tổ 17, khu vực 4, phường Lý Thường Kiệt, thành phố Quy Nhơn thì quan niệm làm theo Bác thật đơn giản, là chia sẻ yêu thương. Từng là cán bộ tổ phụ nữ, tích cực tham gia các phong trào địa phương, có nhiều đóng góp thiết thực cho chi hội phụ nữ khu vực 4, gia đình bà Khanh tuy không khá giả nhưng bà đã kỳ công xin những tấm vải thừa tại các tiệm may mang về may thành những tấm chăn ấm áp tặng phụ nữ nghèo của huyện miền núi Vân Canh. Hơn ba năm, bà may được hơn 20 chiếc chăn. Hiện giờ, bà tiếp tục may chăn để tặng trẻ em làng SOS Nhơn Bình, TP Quy Nhơn.
Theo Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Định Võ Văn Bình, phong trào học và làm theo Bác của các hội viên Hội Phụ nữ TP Quy Nhơn đã và đang góp phần lan tỏa tình yêu thương, nhân ái trong cộng đồng; có nhiều cách làm hay, hiệu quả tốt… Đặc biệt, nhiều mô hình như: “Phụ nữ với điện thắp sáng ngõ hẻm”, “Xây dựng quỹ hội từ nguyên vật liệu phế thải”, “Phụ nữ với văn minh đô thị”… đã phát huy được vai trò của phụ nữ trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng ở địa phương.