Kỳ vọng gì từ hòa đàm Syria ở Astana?
Sự xuất hiện của Mohammed Alloush, nhà lãnh đạo của nhóm phiến quân Jaysh al-Islam, một trong số các đại biểu của 14 nhóm đối lập tham gia cuộc đàm phán hòa bình Syria ở Astana, Kazakhstan ngày 23/1 được đặc biệt chú ý. Cuộc đàm phán được kỳ vọng này có có sự xuất hiện các đại diện của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Mỹ và Liên Hợp Quốc. Tất cả đều muốn tham gia vào cuộc đàm phán nhằm củng cố lệnh ngừng bắn tại Syria và tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau.
Quang cảnh cuộc hòa đàm Syria ở Astana, Kazakhstan. (Ảnh: AP) |
Mỹ - nước không phải là một bên tham gia bảo trợ thỏa thuận ngừng bắn gần đây ở Syria cũng có mặt trong vòng đàm phán lần này bằng việc cử đại diện ở cấp Đại sứ tham dự.
Tín hiệu tích cực
Cuộc đàm phán ở Astana đánh dấu lần đầu tiên các bên xung đột ở Syria vốn đang tham chiến trên thực địa cùng ngồi chung bàn đàm phán kể từ khi cuộc nội chiến ở đất nước này bùng phát cách đây gần 6 năm.
Đặc phái viên Tổng thống Nga về Syria Alexander Lavrentyev, người đứng đầu phái đoàn Nga tại cuộc đàm phán nói với Sputnik: “Đây là bước đi quan trọng mang tính biểu tượng cho phép các bên liên quan trực tiếp đến cuộc xung đột có thể đạt được tiến bộ, xích lại gần nhau hơn”.
Theo ông Lavrentyev, đại diện các bên tham dự hòa đàm Syria tiếp tục làm việc để thống nhất các tài liệu chính thức trong ngày 23/1 và 24/1.
“Nga nói chung hài lòng với kết quả của phiên họp toàn thể trong khuôn khổ đàm phán hòa bình Syria ở Astana. Mặc dù vậy, vẫn còn tồn tại sự nghi kỵ lẫn nhau giữa hai bên”, ông Lavrentyev nói.
Trả lời phỏng vấn của Sputnik tại Astana, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Veysi Kaynak bày tỏ hy vọng cuộc đàm phán lần này sẽ có thể đạt được tiến bộ giải quyết khủng hoảng Syria và đặt nền móng cho thỏa thuận cuối cùng.
“Cuộc đàm phán ở Astana mang lại hy vọng lớn về khả năng đạt được tiến bộ trong giải quyết xung đột Syria. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, đàm phán Astana không thay thế cho vai trò trung gian của Liên Hợp Quốc trong các cuộc đàm phán ở Geneva.
Tuy nhiên, cuộc đàm phán ở Astana nhằm mục đích tạo cơ sở để đạt được những thỏa thuận cuối cùng… Chúng ta đều mong đợi từ Astana một lệnh ngừng bắn bền vững và sau đó khôi phục sự ổn định ở Syria”, ông Kaynak nói.
Người đứng đầu phái đoàn Chính phủ Syria tham gia hòa đàm Astana Bashar Jaafari cho biết, cuộc đàm phán đang diễn ra nhằm mục đích củng cố lệnh ngừng bắn hiện tại và tăng cường lòng tin giữa phe Chính phủ ủng hộ Tổng thống Bashar Al-Assad và các nhóm vũ trang chống đối.
Ông Jaafari cũng cho biết thêm rằng, chương trình nghị sự của cuộc đàm phán không có sớm hơn trước 2h sáng 24/1 (theo giờ địa phương). Điều này chứng tỏ việc đàm phán giữa các bên liên quan không hề đơn giản.
Người đứng đầu phái đoàn Chính phủ Syria tham gia hòa đàm Astana Bashar Jaafari. (Ảnh: Getty) |
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Kazakhstan Kairat Abdrakhmanov, những ngày tiếp theo của cuộc đàm phán sẽ tập trung vào nỗ lực để đạt được bước đột phá trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng gần 6 năm qua ở Syria.
Hòa đàm Syria ở Astana và hy vọng cho các cuộc đàm phán tương lai
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, các cuộc đàm phán tiếp theo giữa phe chính phủ Syria và lực lượng đối lập, trong đó bao gồm cả cuộc đàm phán dự kiến diễn ra ngày 8/2 sắp tới ở Geneva, Thụy Sĩ nên được tổ chức với sự góp mặt của tất cả các nhóm đối lập, không có ngoại lệ.
Mặc dù vậy, phe đối lập Syria vẫn “nói cứng” khi nói rằng, họ chỉ thảo luận về các biện pháp cứu vãn một lệnh ngừng bắn mong manh do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian mà phe này cho rằng đã chủ yếu bị lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn tại Syria vi phạm.
Người phát ngôn nhóm Mặt trận miền Nam của Quân đội Syria Tự do cho biết: “Chúng tôi không tham gia bất cứ cuộc thảo luận chính trị nào, ngoài việc tuân thủ lệnh ngừng bắn bị vi phạm.
Chính quyền Syria đã tìm cách hướng sự chú ý ra khỏi những vấn đề đó. Nếu chính quyền Syria cho rằng sự hiện diện của chúng tôi tại Astana là sự đầu hàng của chúng tôi, thì đó là một điều hoang tưởng”.
Mục tiêu của phe đối lập
Mohammed Alloush, người đứng đầu phái đoàn của lực lượng vũ trang đối lập tham gia đàm phán ở Astana cho biết, phe đối lập đang tìm kiếm giải pháp để đạt được an ninh trong nước và thành lập một nhà nước không “chuyên chế”.
Mohammed Alloush, người đứng đầu phái đoàn của lực lượng vũ trang đối lập tham gia đàm phán ở Astana, Kazakhstan. (Ảnh: AP) |
Về mục đích của riêng Jaysh al-Islam, theo Alloush, nhóm này tới Astana để giải quyết một số vấn đề nhân đạo như thả tù nhân, chấm dứt việc phong tỏa các thành phố ở Syria để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động viện trợ nhân đạo.
Một đại diện khác của phe đối lập, Yahya Aridi nói với các phóng viên cho rằng, thành công của cuộc đàm phán ở Astana phụ thuộc vào khả năng đàm phán thành công về các vấn đề nhân đạo bởi vì người dân Syria đang là đối tượng phải chịu đau khổ nhất vì chiến tranh.
Thoạt nghe có vẻ mục đích hành động của phe đối lập Syria là rất nhân văn, nhưng động cơ thực sự của họ vẫn là câu hỏi lớn khi phía Nga và Chính phủ Syria nhiều lần cáo buộc phe đối lập lợi dụng lệnh ngừng bắn để tập hợp lực lượng, chuẩn bị cho các hoạt động “quấy phá” trong tương lai.
Đây không phải là lần đầu tiên, ưu tiên “đảm bảo an toàn cho dân thường” được các bên liên quan đề cập nhưng thực tế đã cho thấy, qua nhiều cuộc đàm phán trước đó, tình hình Syria vẫn chưa được giải quyết. Và trong cuộc đàm phán ở Astana lần này, dường như khả năng để đạt được một kết quả mang tính “bước ngoặt” vẫn là điều khá xa vời./.