Ký ức về những ngày chuẩn bị giải phóng Thủ đô
Hình ảnh Đội thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô ngày đó. |
Ông Nguyễn Văn Khang cùng đồng đội xưa ôn lại ký ức. |
Ông Nguyễn Văn Khang, Trưởng Ban liên lạc Đội Thanh niên tiếp quản Thủ đô cho biết: "Đến thủ đô kháng kiến nhận nhiệm vụ mới gọi là đội thanh niên công tác tiếp quản Hà Nội làm nhiệm vụ thuyết phục nhân dân".
Còn tại Đồi Thành Trúc, xóm Đầm Mua, xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ nơi có căn nhà tre nứa đơn sơ nhưng đầy ấm áp đã trở thành chốn dừng chân quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 10/1954.
Ông Trần Cầu, phường Gia Sàng, TP Thái Nguyên, Nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 67, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam kể lại: "Khi chuẩn bị về tiếp quản Hà Nội Bác Hồ đã tập trung chúng tôi dốc Điệp, Đại Từ trong đó có câu mà tôi nhớ đến bây giờ: "các chú chiến đấu trong kháng chiến đã quen gian khổ, bây giờ các chú về Hà Nội Bác cứ nói phở ngon, đồng hồ, bút máy và gái đẹp nếu các chú không giữ vững tinh thần, ý chí chiến đấu thì các chú sẽ chết vì viên đạn bọc đường".
Trong những ngày chuẩn bị Giải phóng Thủ đô, Linh mục Phạm Bá Trực, một trí thức Công giáo nổi tiếng và là linh mục đầu tiên tham gia cách mạng, đã qua đời ngày 5/10/1954 tại Đại Từ, chỉ 5 ngày trước khi quân ta tiếp quản Thủ đô. Ông là Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Mặt trận Liên Việt và cố vấn của Báo Cứu quốc.
Giáo sư Đỗ Quang Hưng, thành viên Hội đồng Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: "Thư gửi chia buồn cho cụ Phạm Bá Trực cũng rất là sâu sắc, rất cảm động và rất tình người".
Linh mục Giuse Đinh Văn Thành, Chánh sứ Đại Từ, Quản hạt Thái Nguyên, Nhà thờ Đại Từ, Thái Nguyên tưởng nhớ Linh mục Phạm Bá Trực: "Ngài tham gia kháng chiến, nỗ lực hết mình như châm ngôn sống phúc âm giữa lòng dân tộc và chắc chắn ngài cũng mong muốn những hi sinh đóng góp của ngài sẽ được trổ sinh hoa trái, phần nào góp cho đất nước được phát triển".
70 năm đã trôi qua, Đại Từ ở ATK Thái Nguyên không chỉ phát triển mạnh mẽ mà còn gìn giữ và phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang. Trong hành trình Hà Nội cùng cả nước “Đem vinh quang sức dân tộc trở về”, Đại Từ đã góp phần vào dòng chảy phát triển của Thăng Long - Hà Nội, thủ đô nghìn năm văn hiến và kiên cường.
Dii tích lịch sử đồi Thành Trúc, xóm Đầm Mua, xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ. |
Ông Trần Đăng Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ cho biết: "Trong suốt những năm qua huyện Đại Từ luôn bảo tồn, bảo vệ và chăm sóc phát huy giá trị di tích, thiết thực thực hiện đề án phát triển du lịch sườn đông Tam Đảo với các giá trị về du lịch trong đó có du lịch lịch sử mang lại cho du khách những trải nghiệm ý nghĩa về di tích lịch sử cách mạng".
Ông Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam: "Chắc chắn một thứ không thể thay thế được là biểu trưng cho nền văn hiến của dân tộc mà chúng ta đang kế thừa và phát huy. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói Hà Nội là nơi cả nước hướng đến, là nơi thế giới nhìn vào, vì thế mà chúng tôi nghĩ rằng nhiệm vụ xây dựng thủ đô, đó là nhiệm vụ không chỉ của người Hà Nội mà của cả nước".
Chặng đường phía trước vẫn đầy thử thách, nhưng với niềm tin và lòng quyết tâm, Thủ đô kháng chiến cùng Thủ đô Hà Nội sẽ tiếp tục tỏa sáng, đem vinh quang sức dân tộc trở về trong mỗi bước tiến tương lai./.