Kinh tế hộ góp phần làm đổi thay bản làng biên giới ở Lai Châu
Nhiều năm vật lộn với đói nghèo, năm 2016, gia đình chị Tẩn San Mẩy, ở xã Mồ Sì San, huyện biên giới Phong Thổ (Lai Châu) đã vay ngân hàng 50 triệu đồng, cùng với vay thêm bà con họ hàng để đầu tư mua ô tô chở vật liệu. Sau một thời gian, vợ chồng chị chạy xe tích lũy được một ít vốn, nhận thấy nhu cầu sử dụng gạch không nung để xây dựng nhà ở khu vực biên giới cao, nên gia đình chị đã đầu tư gần 100 triệu đồng để mua máy móc, xây dựng xưởng sản xuất gạch, phục vụ nhu cầu tại địa phương.
Chị Tẩn San Mẩy cho biết, làm từ nhỏ đến lớn, thành công rồi thì gia đình mới tính đến làm tiếp. Gạch làm chất lượng tốt, bà con cũng tin dùng, nên mô hình kinh tế của gia đình ngày càng mở rộng. Đến nay, thu nhập từ xưởng sản xuất gạch và ô tô chở hàng đã mang lại cho gia đình khoảng 200 triệu/năm. Cơ sở sản xuất của gia đình cũng tạo công ăn việc làm ổn định cho 4 - 5 lao động địa phương, với mức thu nhập từ 4-5 triệu đồng/tháng.
“Trước đây gia đình nghèo lắm, nhà lại không có đất sản xuất, vì vậy gia đình tôi phải chăn nuôi tích góp, cộng với vay ngân hàng mua xe ô tô để kiếm thêm thu nhập, sau đó lại tiếp tục tích lũy mua máy móc về đầu tư làm gạch để phục vụ bà con dân bản. Bây giờ thì không đói nữa rồi, mỗi năm cũng dành dụm được mấy trăm triệu”, chị Tẩn San Mẩy nói.
Mô hình kinh tế hộ gia đình đã giúp người dân vùng đất biên giới Phong Thổ (Lai Châu) thoát nghèo. (Ảnh minh họa: KT) |
Để bà con các dân tộc biên giới chủ động trong phát triển kinh tế hộ, những năm qua cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, Hội Nông dân xã Mồ Sì San luôn là cầu nối giúp người dân vay vốn, định hướng các mô hình sản xuất.
Để người dân tin và làm theo, một số hộ hội viên nông dân điển hình luôn đi đầu trong các mô hình. Khi các mô hình có hiệu quả, Hội đứng ra vận động các hội viên khác làm theo. Từ đó, phong trào kinh tế hộ phát triển rộng khắp các bản làng từ các mô hình kinh tế nông nghiệp như: trồng thảo quả, trồng nghệ, trồng rừng... đến các mô hình dịch vụ, phục vụ trực tiếp đời sống người dân địa phương.
Anh Phàn Láo Tả, Chủ tịch Hội nông dân xã Mồ Sì San, huyện Phong Thổ cho biết: “Hội Nông dân xã đã giúp hội viên thực hiện phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, bằng cách nhận ủy thác từ ngân hàng chính sách huyện, tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất. Đến nay đã có rất nhiều hộ đưa nguồn vốn vay vào sản xuất phát triển hiệu quả. Tiến tới hội nông dân xã sẽ tiếp tục vận động các hội viên tham gia các phong trào lớn, ví dụ như nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi và tham gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã”.
Năm 2018, huyện Phong Thổ có 100% xã đăng ký sản xuất kinh doanh giỏi, 200 hộ đạt cấp huyện, 59 hộ cấp tỉnh, 2 hộ cấp trung ương; 2.843 hộ nông dân được vay vốn, với dư nợ hơn 70 tỷ đồng; hàng nghìn lao động nông thôn được đào tạo nghề để phát triển sản xuất kinh doanh. Các hộ nông dân đã đoàn kết, giúp đỡ nhau tạo nên không khí thi đua sôi nổi cho các hội viên nông dân. Phong trào sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương đã được nhân rộng, thu hút đông đảo nông dân tham gia, niềm tin của hội viên vào tổ chức hội được nâng lên, góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn.
Ông Bùi Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cho biết: “Hội Nông dân đã động viên nhân dân triển khai các mô hình chăn nuôi, vay vốn phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, tham gia xây dựng các công trình trên địa bàn như: chương trình về xây dựng nông thôn mới, chương trình phát triển các xã vùng cao. Hội Nông dân đã tham mưu cho UBND huyện hàng năm trích một phần ngân sách để ủng hộ cho quỹ của Hội nông dân, cho các hộ nghèo có điều kiện vay vốn để phát triển sản xuất. Các mô hình triển khai trên địa bàn cơ bản đã đạt hiệu quả rất cao”.
Vượt lên khó khăn, nông dân huyện biên giới Phong Thổ đã phát huy tinh thần cần cù trong lao động, sản xuất, dám nghĩ dám làm, thực hiện tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, phong trào sản xuất kinh doanh giỏi đã thu hút đông đảo hội viên tham gia, giúp chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, chuyển sang sản xuất hàng hóa tập trung, góp phần làm thay đổi diện mạo các bản làng nghèo nơi biên giới Tây Bắc./.