Không còn công chức giáo viên: Tuyển dụng phải trọng dụng người tài
Bộ GD-ĐT sẽ triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên mà sẽ theo chế độ hợp đồng "có vào - có ra", có chế độ đãi ngộ lớn. Lĩnh vực đào tạo sẽ theo hướng thị trường lao động, tăng cường chất lượng. Tuy nhiên, việc này sẽ phải có lộ trình.
Đó là thông tin được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đưa ra tại buổi tiếp xúc cử tri là cán bộ quản lý ngành giáo dục thành phố Quy Nhơn và tỉnh Bình Định mới đây.
Việc Bộ GD-ĐT sẽ triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức giáo viên sẽ tác động rất lớn đến hàng triệu giáo viên, nhà giáo đang công tác ở khắp mọi miền đất nước. Tuy nhiên, để việc thực hiện thí điểm có hiệu quả và thực chất, chúng ta hãy cùng lắng nghe suy nghĩ, ý kiến của những người đứng trên bục giảng.
Không còn công chức sẽ tác động mạnh mẽ đến hàng triệu giáo viên (ảnh minh họa) |
Cần lắm cơ chế tuyển dụng minh bạch, đãi ngộ tốt
Cô Trần Thị Hồng Hạnh, giáo viên dạy Tiếng Anh, trường THCS Lê Quý Đôn, quận Cầu Giấy, Hà Nội nêu quan điểm: Việc Bộ GD-ĐT thực hiện tốt không còn công chức, viên chức giáo viên sẽ khuyến khích các thầy cô giáo không ngừng học hỏi, tiến bộ trong giảng dạy.
Tuy nhiên, để thực hiện được việc làm trên cần có lộ trình phù hợp để giáo viên yên tâm cống hiến lòng nhiệt huyết với nghề nghiệp. Nếu như các thầy cô giáo còn lo lắng về sự bấp bênh nghề nghiệp thì hiệu quả giảng dạy có thể không tốt.
Nhiều người vẫn nghĩ, khi đã là công chức, viên chức rồi thì khó mà ai có thể đuổi họ ra khỏi cơ quan, trường học được.
Nghề nghiệp nào nếu không có sự cạnh tranh, cố gắng và sáng tạo thì sẽ không có sự phát triển. Sự nghiệp giáo dục đào tạo cũng vậy, nếu giáo viên vẫn mãi “dẫm chân tại chỗ”, không tự hoàn thiện, đổi mới, học hỏi thì sẽ không thể có chất lượng giảng dạy tốt.
Theo cô Hồng Hạnh, hiện nay, ở nhiều nơi tuyển dụng nhân lực nói chung và giáo viên nói riêng vẫn chưa thực sự trọng dụng người tài. Tình trạng tuyển dụng công chức, viên chức giáo viên vẫn còn theo kiểu “con ông cháu cha” hay mang tính “thương mại”.
Vì vậy, việc triển khai không còn công chức, viên chức giáo viên phải gắn với công tác tuyển dụng một cách minh bạch, có chính sách đãi ngộ tốt. Điều này sẽ giúp cho các thầy cô giáo có thể tự nuôi sống được bản thân và gia đình để toàn tâm, toàn ý vào công việc; không nghĩ đến tổ chức dạy thêm-học thêm, tìm kiếm thêm công việc khác để có thêm thu nhập.
Cách thức thực hiện nên theo hướng, giáo viên nào có thâm niên giảng dạy tốt, đào tạo được nhiều học sinh giỏi, tham gia các kỳ thi quốc gia, quốc tế thì nhà trường nên giữ họ lại giảng dạy.
Đối với những giáo viên trẻ, Bộ GD-ĐT cũng nên có yêu cầu, chuẩn nghề nghiệp hay hình thức thi đua để thúc đẩy họ luôn phấn đấu. Sau một thời gian bồi dưỡng, nếu thầy cô nào không đạt được một số tiêu chuẩn tối thiểu thì địa phương, trường học có thể luân chuyển, điều động hoặc dừng hợp đồng lao động.
Nên thí điểm ở bậc đại học
Cô Trần Thị Thanh Hương, giáo viên trường THPT Xuân Đỉnh, huyện Bắc Từ Liêm, Hà Nội đồng ý với chủ trương thí điểm không còn công chức, viên chức giáo viên. Bởi khi giáo viên đã vào biên chế, đã là công chức, viên chức thì có thể không tiếp thu và lắng nghe ý kiến của học sinh và phụ huynh.
Tuy nhiên, thực hiện chủ trương này phải thực sự vì sự nghiệp phát triển giáo dục, chứ không phải vì “bệnh thành tích” của cá nhân hay tập thể nào.
Đây là việc làm không chỉ tác động rất mạnh mẽ đến tâm lý, suy nghĩ của toàn bộ giáo viên mà còn ảnh hưởng đến đời sống của họ. Nếu những người nào có tư tưởng mới, sẵn sàng đón nhận sự thay đổi của ngành giáo dục thì sẽ thích nghi được. Còn những thầy cô giáo nào vẫn còn tư tưởng “bao cấp” thì có thể tác động rất lớn về tâm lý.
Theo cô Thanh Hương, việc thí điểm không còn công chức, viên chức giáo viên nên thực hiện trước tiên ở bậc giáo dục đại học. Nếu giảng viên ở bậc học này có chất lượng tốt, đào tạo được nguồn nhân lực hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu xã hội thì sẽ là tiền đề để thực hiện đổi mới chất lượng giáo viên ở cấp học dưới./.