Không có TPP, Việt Nam vẫn hội nhập bình thường
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump vừa tuyên bố sẽ ban hành sắc lệnh hành pháp về việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việc Mỹ rút khỏi Hiệp định này sẽ tác động như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam?
Bình luận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch InvestConsult Group cho rằng: Rất nhiều người Việt Nam tha thiết, đắm đuối với TPP và xem đó như một yếu tố sống còn đối với tương lai Việt Nam. Tôi cho rằng ông Trump làm cho rất nhiều quốc gia ngạc nhiên khi thấy có một cách tiếp cận quyền lợi của nước Mỹ ngược hẳn với những gì lâu nay khu vực này được tuyên truyền.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt |
Nhiều người cho rằng không thừa nhận TPP là một cái sai nào đó của ông Donal Trump, nhưng cá nhân tôi không nghĩ như vậy. Các nhà chính trị có những cách tiếp cận khác nhau với quyền lợi của nước Mỹ. Cách của ông Donald Trump ngược với những cách tuyên truyền, vận động lâu nay mà chúng ta được nghe. Sự tuyên truyền ấy kỹ đến mức làm cho chúng ta đôi lúc xem TPP như yếu tố sống còn.
Phân tích vấn đề này, chuyên gia Nguyễn Trần Bạt cho rằng: Có một thời gian rất dài, nền kinh tế của chúng ta lấy xuất khẩu làm chiến lược số một, cho nên chúng ta dành nhiều sự chú ý đến khả năng xuất khẩu vào các thị trường khác và luôn luôn tìm cách liên kết Chính phủ chúng ta với các chính phủ khác để tạo ra các không gian kinh tế thiết kế bởi các chính phủ. TPP là một không gian kinh tế mới được thiết kế bởi các chính phủ.
Trước đây chúng ta tham gia đàm phán TPP trong không gian chính trị mà Obama là người giữ vai trò chủ chốt, nhưng bây giờ đã đến cuối nhiệm kỳ Obama, trên thực tế TPP đã tiềm ẩn các nguy cơ thất bại trông thấy. Báo chí Việt Nam, người Việt Nam cần có một thái độ khách quan, biết chờ đợi, biết phân tích.
Ông Donald Trump đã tuyên bố về thái độ dứt khoát của ông ấy đối với TPP, tôi nghĩ đấy là một dấu hiệu cho thấy ông ấy không muốn xã hội có những chờ đợi và chuyển dịch theo các khuynh hướng bất lợi, không muốn xã hội Mỹ và các nước trong khu vực mất thì giờ.
Nhiều người nhìn nhận sự biến dạng hiện nay chỉ là thái độ cá nhân của Donald Trump, tôi không nghĩ thế. Nó là một khuynh hướng khác của thế giới đối với toàn cầu hóa.
Chúng ta không thể nói một cách đơn giản về quyền lợi của Việt Nam khi quan sát hiện tượng này, bởi quyền lợi của Việt Nam lệ thuộc hoàn toàn vào tình thế của thế giới. Mà tình thế thực sự của thế giới hiện nay không hoàn toàn đi theo ý muốn của Obama, Hillary Clinton hay Donald Trump. Chúng ta phải phân tích xem ai trong số họ có những quan điểm gần với thực tế nhất.
TPP chưa chết, bởi TPP là một tư tưởng, chưa phải là một tổ chức. Nếu đã trở thành một tổ chức thì nó có thể chết, nhưng vẫn còn là tư tưởng thì nó không chết. Nó có thể được bắt đầu lại bằng hình hài của tổ chức khác.
Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt khẳng định: “Chúng ta vẫn đang sống mà không có TPP. Bây giờ chúng ta muốn biến Việt Nam thành công xưởng thay thế Trung Quốc bởi vì giá nhân công Trung Quốc bây giờ đắt. Nhưng bây giờ Tổng thống đắc cử của nước Mỹ lại nói rằng đắt như giá nhân công ở Mỹ mà người Mỹ vẫn muốn đưa công xưởng trở về đất nước mình. Có nghĩa là giá nhân công ở các nước phương Tây đắt đến mức họ buộc phải di chuyển công xưởng sang Trung Quốc hay Việt Nam chỉ là một nhận thức chứ không phải là tất cả các nhận thức.
Khi người Trung Quốc mang công xưởng ra khỏi nước Mỹ thì thu nhập thuộc về người Trung Quốc và người Mỹ buộc phải mua hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc. Việc ấy có lợi gì cho Mỹ không và cái lợi về kinh tế có bù cho sự thất thiệt về chính trị khi người Trung Quốc nắm được giai cấp vô sản toàn cầu, bởi họ là lực lượng cơ bản của sản xuất?
Ông Nguyễn Trần Bạt nêu rõ: Không có một dân tộc nào nên người khi nó lệ thuộc vào sự mô tả của người khác về nó. TPP và tương lai Việt Nam là sự mô tả của người khác về Việt Nam, không phải là sự mô tả của người Việt. Phần lớn người Việt không biết TPP là gì?. Tức là Chính phủ luôn luôn đi đầu trong sự hội nhập còn nhân dân thì vẫn đang đứng ở bên ngoài không gian kinh tế mà Chính phủ hội nhập.
Nếu không có những yếu tố như TPP thì nền kinh tế Việt Nam làm như thế nào để phát triển?
Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt cho rằng: Nếu chúng ta không có TPP sẽ có cái khác, hội nhập là một xu thế. Dù ai quan niệm hội nhập là cái gì đi nữa thì nó vẫn là một khuynh hướng của thế giới. Quá trình diễn đạt của Tổng thống Donald Trump chỉ giao động khe khẽ giữa hai khuynh hướng và cách nhau một góc rất hẹp.
Ông ta không phải là người bảo hộ mà là người hội nhập với sự cảnh giác về việc mất đi những lợi ích căn bản của nền kinh tế Mỹ và người Mỹ. Ông ta nhìn thấy khoảng cách bất hợp lý giữa những lợi ích mà các nhà kinh doanh lớn của Hoa Kỳ có được với lợi ích của những người lao động bình thường.
Để Việt Nam có tương lai, chúng ta buộc phải ý thức về việc xây dựng một chính phủ liêm chính. Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt cho hay: Chúng ta cứ bình tĩnh, không có TPP cũng không ai chết. Người ta sẽ làm quen dần dần một thực tế là không có TPP không chết. Và cũng không có chuyện chúng ta không còn quan hệ gần gũi với người Mỹ, bởi vì người Mỹ cần chúng ta. Người Mỹ đến đây từ khi chính phủ Mỹ còn cấm vận.
Việt Nam không đủ năng lực để xây dựng một ngành kinh tế có chất lượng động lực. Ngành kinh tế có chất lượng động lực phải nắm trong tay một lực lượng lãnh đạo có chất lượng động lực. Thực ra không thiếu ngành có thể trở thành động lực. Quan trọng hơn là phải xét xem nếu có thì nó là động lực cho cái gì?
Hiện nay tôi thấy có hai ngành kinh tế có thể làm động lực cho đồng bằng sông Cửu Long đó là cá và gạo, đó là hai ngành tự nhiên trở thành có chất lượng động lực. Cho nên để cái gì đó có thể trở thành động lực chúng ta buộc phải có một chính phủ khôn ngoan, thông thái, thận trọng, biết tìm ra yếu tố nào có thể hình thành giá trị chiến lược, giá trị động lực. Chất lượng động lực là kết quả của một sự lựa chọn chính xác, chuẩn bị lực lượng một cách thật sự và một thái độ khôn ngoan, kín đáo trong cách tiếp cận thị trường./.