Khó khăn trong việc giữ gìn và phát triển làng nghề
Làng nghề sinh vật cảnh xóm Gò Móc hiện nay chỉ còn 1ha đất trồng cây cảnh.

Nếu như trước đây toàn bộ làng nghề sinh vật cảnh xóm Gò Móc có hơn 4ha để phát triển, thì nay chỉ còn lại 1ha với khoảng 40 hộ trồng và kinh doanh cây cảnh. Nguyên nhân khiến diện tích đất bị thu hẹp là do chủ trương lấy đất để phát triển các khu dân cư. Được biết, đây là làng nghề sinh vật cảnh duy nhất của tỉnh, việc trồng và kinh doanh sinh vật cảnh mang lại mức thu nhập cao cho gia đình trong làng nghề với doanh thu mỗi năm giao động từ 5-6 tỷ đồng.

Ông Đỗ Ngọc Phùng, Trưởng làng nghề sinh vật cảnh xóm Gò Móc, xã Quyết Thắng, TP Thái Nguyên cho biết: "Mất công việc làm của nhiều người, mất thu nhập. Vậy thì dân chỉ có yêu cầu nếu như Nhà nước lấy đất, thì sắp xếp cho nghề này có đất để sản xuất và kinh doanh, giải quyết công ăn việc làm cho các hộ dân ".

Được công nhận làng nghề chế biến chè từ cuối năm 2008, hiện nay người dân ở xóm Thác Dài, xã Tức Tranh đang nỗ lực xây dựng thương hiệu chè với việc từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, ngoài một số ít người có kinh nghiệm làm được chè ngon giá cao, còn đại đa số các hộ chỉ làm chè mộc, giá rẻ. Việc tạo thành mối liên kết cùng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chè ở Thác Dài chưa chặt chẽ, còn nhiều hạn chế.

Khó khăn trong việc giữ gìn và phát triển làng nghề
Làng nghề chế biến chè xóm Thác Dài, xã Tức Tranh.

Để làng nghề phát triển theo hướng bền vững và hiệu quả, việc phát triển hợp tác xã trong các làng nghề là một xu hướng tất yếu nhằm tạo sự liên kết, tăng sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường. Hiện nay, toàn tỉnh hiện có 269 làng nghề, trong đó chỉ có 103 HTX được thành lập. Cùng với đó, không ít làng nghề vẫn còn chưa thật sự đánh giá đúng vai trò của kinh tế tập thể, HTX; việc chấp hành quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn chưa cao, nguồn kinh phí đầu tư cho lĩnh vực bảo vệ môi trường còn thấp, chưa có cơ chế chính sách cụ thể khuyến khích phát triển cho các làng nghề.

Ông Nguyễn Xuân Tùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Chúng tôi quan tâm đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực kiến thức đào tạo về khi kỹ năng quản lý sản xuất và điều hành đối với đội ngũ. Ban quản lý các làng nghề tập trung để tiến hành đặt ra, tham mưu xây dựng cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất có cơ hội dễ tiếp cận với các chính sách của Nhà nước. Ứng dụng chuyển đổi số và nâng cao năng lực cho sản xuất kinh".

Thực tế, việc phát triển các làng nghề đang giúp nhiều địa phương thuần nông trên địa bàn tỉnh đa dạng hóa ngành nghề và tăng thu nhập cho người dân. Do đó, cần có cơ chế, chính sách về đất đai để tạo điều kiện cho các nghề, làng nghề truyền thống khu vực nông thôn phát triển.