Khi trường học là "trợ thủ" đắc lực trong giáo dục giới tính và phòng chống tảo hôn
Giờ sinh hoạt ngoại khóa của trường PTDT Nội trú Thái Nguyên |
Trường PTDT Nội trú Thái Nguyên hiện đang có trên 500 em học sinh thuộc nhiều dân tộc thiểu số theo học và sinh hoạt nội trú. Mỗi em đều mang trong mình những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc, đa số các em đều ở các vùng đặc biệt khó khăn, nên đâu đó vẫn còn ảnh hưởng những tư tưởng lạc hậu của dân tộc mình. Đây cũng chính là lý do nhà trường rất chú trọng, quan tâm đến việc giáo dục sức khỏe sinh sản, trong đó có vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết.
Em Đỗ Anh Tuấn, Lớp 12A1 Trường PTDT Nội trú Thái Nguyên cho biết: "Qua những hoạt động giảng dạy của thầy cô giáo, bản thân em cũng như các bạn đã có thêm những hiểu biết về sức khỏe sinh sản, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, từ đó chúng em cũng đã rút ra cho mình những bài học và kiến thức để giúp đỡ bản thân mình và bạn bè, cũng như người thân trong việc phòng chống hôn nhân cận huyết".
Giáo viên Lê Thị Hồng Trang, trường PTDT Nội trú Thái Nguyên vui mừng cho biết: "Sau những chương trình ngoại khóa, chúng tôi cũng thực hiện những phiếu điều tra trước khi tuyên truyền và sau khi tuyên truyền để tìm hiểu xem các em nhận thức những vấn đề này như thế nào, kết quả thì có 80%-90 % là các em đã nhận thức được".
Học sinh, sinh viên tự tìm hiểu, trang bị các kiến thức về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống là một trong những giải pháp hữu hiệu góp phần kéo giảm tình trạng này |
Cấp 3 là lứa tuổi các em có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa trở thành người trưởng thành. Vì vậy những kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản đối với các em là vô cùng quan trọng. Nắm bắt được điều đó, các trường THPT đều tăng cường đưa các kiến thức về giới lồng ghép vào các giờ học trên lớp cũng như ngoại khóa. Từ đó, không chỉ giúp các em có được những kiến thức cơ bản về giới tính mà còn trở thành trợ thủ đắc lực cùng với phụ huynh giúp các em trưởng thành một cách an toàn.
Cô giáo Vũ Thị Loan, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền, TP Thái Nguyên nhấn mạnh: "Nhà trường không chỉ triển khai trong các hoạt động chính khóa mà còn triển khai cả trong các hoạt động ngoại khóa, đồng thời thông qua hoạt động của Tổ Tư vấn tâm lý học đường. Và Tổ Tư vấn cũng đã làm rất tốt trong việc tư vấn, tuyên truyền đến học sinh về việc tảo hôn và bình đẳng giới".
Em Nguyễn Chiều Xuân, Lớp 11A8, Trường THPT Ngô Quyền, TP Thái Nguyên chia sẻ: "Khi được các thầy cô hướng dẫn, chia sẻ về các kiến thức tảo hôn và hôn nhân cận huyết thì chúng em sẽ hiểu thêm về những kiến thức sức khỏe sinh sản và xây dựng được tình bạn, tình yêu trong sáng trong tuổi học trò, biết cách bảo vệ bản thân".
Theo thống kê của ngành dân số, 10 tháng năm 2023 toàn tỉnh có 42 trường hợp tảo hôn, không ghi nhận trường hợp hôn nhân cận huyết. Con số này cho thấy tình trạng tảo hôn vẫn còn tồn tại, đa phần ở vùng đồng bào dân tộc Mông. Bởi vậy bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền thông qua nhiều hình thức, ngành dân số tỉnh cũng đang chú trọng phối hợp với ngành giáo dục đưa những nội dung về giáo dục giới tính nói chung, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết nói riêng vào học đường.
Bà Hồ Thị Thanh Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ Thái Nguyên đưa ra định hướng: "Trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường đẩy mạnh các hoạt động tại nhà trường để các em học sinh có thêm điều kiện tiếp cận nhiều hơn kiến thức về sức khỏe sinh sản, cũng như là tình bạn, tình yêu trong môi trường học đường, để các em nắm bắt được nguyên nhân, hệ lụy của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống".
Lứa tuổi học sinh THPT rất cần sự đồng hành của thầy cô, phụ huynh trong hành trình trưởng thành của các em. Đặc biệt với các em học sinh là người dân tộc thiểu số, được tiếp xúc với môi trường giáo dục hiện đại sẽ là cơ hội để các em thay đổi tư duy, nếp nghĩ, từ đó sẽ trở thành những tuyên truyền viên tích cực, góp phần giảm thiểu, tiến tới ngăn chặn các hủ tục lạc hậu về hôn nhân, trở thành một công dân có ích cho xã hội./.