Khi chủ trương phù hợp với thực tiễn
Cùng với việc nâng cao chất lượng chuyên môn của đội ngũ giáo viên dạy môn tiếng Anh, các phương pháp giảng dạy tích hợp, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn cũng được thực hiện. |
Tại Trường THPT Chu Văn An, thành phố Thái Nguyên, cùng với việc nâng cao chất lượng chuyên môn của đội ngũ giáo viên dạy môn tiếng Anh, các phương pháp giảng dạy tích hợp, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn theo đó cũng được thực hiện. Đặc biệt, từ khi Nghị quyết số 14 của HĐND tỉnh khóa XIV về việc “Quy định một số chính sách hỗ trợ dạy và học tiếng Anh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên” được ban hành đã góp phần giúp học sinh có thêm động lực để học tốt hơn môn học này.
Em Trần Thanh Tùng, lớp 11A1, Trường THPT Chu Văn An chia sẻ: "Được tỉnh hỗ trợ kinh phí sau khi đạt 7.0 IELTS, em thấy đó như 1 phần thưởng. Thời gian tới, em sẽ thi lại để đạt số điểm cao hơn và nỗ lực hơn trong kỳ thi cấp tỉnh sắp tới".
Cô giáo Nguyễn Thị Việt Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An cho hay: "Việc thi chứng chỉ IELTS không phải gia đình nào cũng có nguồn tài chính để cho các em thi. Nghị quyết của tỉnh đã giảm bớt gánh nặng cho phụ huynh học sinh. Sắp tới, chúng tôi sẽ xin phép Sở Giáo dục và Đào tạo liên kết với các Trung tâm để mở lớp dạy IELTS ngay tại trường để hỗ trợ học sinh trong việc học IELTS".
Sau gần 6 tháng triển khai, toàn tỉnh đã có gần 170 học sinh có chứng chỉ IELTS từ 4.0 trở lên được hỗ trợ lệ phí thi với số tiền trên 710 triệu đồng, đặc biệt có 10 học sinh đạt 8.0. |
Bên cạnh Nghị quyết số 14, Nghị quyết số 172 về việc thông qua Đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030” được ban hành đồng thời giúp lan tỏa mạnh mẽ, thay đổi cách dạy, cách học trong các nhà trường.
Thầy giáo Trần Văn Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Thái Nguyên cho biết: "Trước kia, thi IELTS là mong muốn tự nguyện của mỗi gia đình, nhưng khi có Nghị quyết thì đã tạo ra một phong trào cũng như kế hoạch, giải pháp của nhà trường đẩy mạnh hoạt động dạy và học tiếng Anh để nâng cao chất lượng tiếng Anh".
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên, sau gần 6 tháng triển khai, toàn tỉnh đã có gần 170 học sinh có chứng chỉ IELTS từ 4.0 trở lên được hỗ trợ lệ phí thi với số tiền trên 710 triệu đồng, đặc biệt có 10 học sinh đạt 8.0.
Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đại Từ nhấn mạnh: "Phòng Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường THCS triển khai đầy đủ các nội dung của Nghị quyết 14 đến các em học sinh và phụ huynh học sinh để khuyến khích các em tăng cường học tiếng Anh và mạnh dạn đăng ký thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế; tiếp tục chỉ đạo 100% các trường Tiểu học triển khai chương trình dạy học môn tiếng Anh tự chọn cho học sinh lớp 1, 2".
Khi chính sách được ban hành kịp thời, đúng và trúng thời điểm, cộng với sự hỗ trợ của thầy, cô giáo và sự quan tâm, đồng hành của cha mẹ học sinh đã góp phần không nhỏ tạo nên sự thành công của các em học sinh trên con đường hội nhập quốc tế./.