Khi chính sách đi vào thực tiễn
Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Thái Nguyên là trường chuyên biệt cấp THPT đầu tiên của tỉnh Thái Nguyênn, với mục tiêu đào tạo cho con em dân tộc thiểu số tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn của tỉnh. |
Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Thái Nguyên là trường chuyên biệt cấp THPT đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 6 năm 2008, với mục tiêu đào tạo cho con em dân tộc thiểu số tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn của tỉnh. Để thực hiện tốt công tác dạy và học của một trường nội trú, thời gian qua, từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau, cơ sở vật chất, trang thiết bị của trường đã được đầu tư khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Cùng với đó, tỉnh Thái Nguyên cũng đã ban hành các chính sách hỗ trợ cho học sinh học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường.
Em Hà Thị Ngọc Sen, lớp 12A1, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: "Là học sinh nội trú, chúng em được hỗ trợ 100% học phí, trợ cấp tiền ăn và trợ cấp hàng tháng, đây là cơ hội giúp nhiều bạn học sinh được đến trường và có cơ hội học tập tốt hơn".
Thầy giáo Hà Văn Thám, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Thái Nguyên cho hay: "Nhà trường thực hiện sự chỉ đạo của các cấp, các ngành, các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, học sinh của nhà trường được hưởng học bổng hàng tháng theo quy định, được cấp sách vở, chăn màn, nhu yếu phẩm, đồ dùng học tập để đảm bảo các em có điều kiện tốt nhất trong quá trình học tập tại nhà trường".
Tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, hoặc ở những vùng có đông học sinh người DTTS theo học, cơ sở vật chất ngày càng được đầu tư khang trang, hiện đại. |
Tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, hoặc ở những vùng có đông học sinh người DTTS theo học, với sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, của tỉnh Thái Nguyên, cơ sở vật chất ngày càng được đầu tư khang trang, hiện đại, đáp ứng yêu cầu dạy và học của mỗi nhà trường; chất lượng giáo dục theo đó cũng được nâng lên.
Tỉnh Thái Nguyên hiện có 17 trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú và trên 30 trường có học sinh bán trú. Thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển dân tộc của Đảng và Nhà nước về công tác giáo dục - đào tạo vùng dân tộc thiểu số, tỉnh đã triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trong thực hiện các chính sách. Trong giai đoạn 2016-2022, hơn 200 tỷ đồng đã được đầu tư mở rộng, tăng quy mô tuyển sinh các trường nội trú. Ngoài ra, các chế độ, chính sách đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, học sinh dân tộc thiểu số, học sinh dân tộc thiểu số rất ít người cũng đã kịp thời triển khai, với kinh phí mỗi năm gần 90 tỉ đồng.
Cô giáo Đỗ Thị Thu Hường, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS Phú Lương cho hay: "Đối với Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS Phú Lương là ngôi trường đặc thù, được hưởng nhiều chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước. Trong thời gian qua, nhà trường được các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện đầu tư, sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018".
Ông Phạm Quang Sáng, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hóa, Thái Nguyên cho biết: "Huyện Định Hoá là 1 huyện miền núi của tỉnh Thái Nguyên, con em đồng bào dân tộc đang học tập tại các trường chiếm tỷ lệ là trên 85%. Trong thời gian qua, huyện Định Hoá cũng ưu tiên mọi nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất trường lớp cho giáo dục. Bên cạnh đó, phối hợp tốt với các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để có những nguồn vốn xây dựng trường lớp, để trang bị máy tính, phòng học đa chức năng phục vụ cho công tác dạy và học trên địa bàn huyện".
Với sự đầu tư đồng bộ, đến nay 100% các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông có học sinh bán trú được xây dựng kiên cố; gần 85% trường phổ thông có học sinh bán trú đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ trẻ mẫu giáo và học sinh dân tộc thiểu số đến lớp đều đạt trên 98%... Những kết quả đó đã tạo cơ sở để tỉnh tiếp tục đầu tư, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo vùng đồng bào DTTS, đưa chất lượng giáo dục vùng cao, vùng đồng bào DTTS tiến dần ngang bằng các khu vực khác trong tỉnh./.