Khảo sát: Lố và hài!
Sự việc xảy ra ở Trường tiểu học Nam Trung Yên, Hà Nội khép lại khi sự thật được đặt về đúng chỗ. Trong diễn biến sự việc, việc nhà trường tổ chức khảo sát lấy ý kiến và hồ hởi công bố kết quả 100% giáo viên, học sinh xác nhận không có xe taxi đi vào trường lại có lẽ là “dấu đen” đáng suy ngẫm nhất.
Nội dung những câu trong phiếu khảo sát đã thấy rõ câu trả lời được ấn định cho người được khảo sát theo ý mà người tổ chức khảo sát mong muốn.
Đây không chỉ là hành vi dối trá, chối tội mà hơn hết những người đứng đầu một ngôi trường muốn dùng sức mạnh tập thể để "phủ đầu" một đứa trẻ là học trò của mình đang nằm viện. Khi khoe kết quả 100% đẹp đẽ kia cũng là lời tự đắc vào mặt đứa trẻ: Mày nói dối đấy nhé!
Phiếu khảo sát học sinh trong sự việc xảy ra tại Trường Tiểu học Nam Trung Yên, Hà Nội (Ảnh: Mỹ Hà) |
Chừng đó đã đủ thấy cái khảo sát kia lố bịch. Chưa hết, con số 100% hóa ra còn là một hài kịch khi nhiều giáo viên lên tiếng... họ không hề điền vào phiếu khảo sát. Rồi còn một số người bị “dụ” điền vào phiếu khảo sát tưởng là phục vụ cho công tác kiểm tra an toàn chứ không biết là bị lợi dụng cho mục đích khác.
Việc tổ chức khảo sát tạo nên một tập thể nhân chứng cho một sự việc mà lẽ ra không cần phải chứng minh làm người ta rùng rợn, ớn lạnh. Nhưng rằng, phương thức dùng khảo sát để lấy kết quả mình mong muốn lại không chỉ xảy ra ở Trường Nam Trung Yên. Không ít người đứng đầu môi trường sư phạm rất chuộng cách lợi dụng và áp đảo bởi số đông trong nhiều tình huống.
Mới đây, một giáo tiểu học ngôi trường có tiếng ở quận 1, TPHCM bị phụ huynh phản ánh có hành vi o ép học sinh đến học thêm tại nhà. Cô giáo phải ngưng ngay lớp học thêm vì đã vi phạm quy định dạy thêm mười mươi khi dạy thêm cho học trò tiểu học, dạy thêm khi chưa được cấp phép, dạy thêm cho học trò chính khóa...
Chưa xong, những phụ huynh có con đi học thêm tại nhà cô giáo trên được hiệu trưởng nhà trường mời từng người một lên hỏi... về việc con anh chị có bị ép đi học thêm hay không. Trong bối cảnh này ai cũng đoán được câu trả lời của phụ huynh. Họ được mời ký vào tờ giấy xác nhận... cô giáo không ép con mình học thêm.
Nhà trường hồ hởi thông báo kết quả 100% phụ huynh xác nhận con mình không bị ép đi học thêm, nghĩa là phản ánh kia là bịa đặt. Còn phụ huynh bức xúc lẫn nghẹn ngào sau cuộc khảo sát vì chẳng khác nào họ đang bị “dằn mặt” vì dám tố cáo.
Hình ảnh những lá đơn tự nguyện đăng ký học thêm tại nhiều trường học “ấn” xuống học sinh thật ra không khác lá phiếu khảo sát gây chấn động tại trường Tiểu học Nam Trung Yên là bao. Nó cũng đặt ra để “bảo hộ” cho nhà giáo, nhà trường và chèn ép học sinh, phụ huynh.
Thậm chí, có trường học sinh nào không đăng ký học thêm thì... lên gặp hiệu trưởng để nhà trường tìm hiểu lý do. Trong khi, nói một cách sòng phẳng, ẩn đằng sau những học sinh đã học trên lớp mà còn phải đi học học thêm mới cần những nhà quản lý nắm “tâm tư”.
Rồi nữa, tại một trường tiểu học khác, bà mẹ dắt con nhỏ lên phản ánh con mình bị giáo viên đánh thâm tím tay chân thì... hiệu trưởng tận tình gọi cô giáo lên ba mặt một lời. Và rồi hiệu trưởng và giáo viên đồng tình đưa ra cách sẽ tiến hành khảo sát toàn bộ học sinh trong lớp xem... cô giáo có đánh em học trò này không. Hai mẹ con nọ hoảng quá ôm nhau quay về trong nước mắt.
Trong trường học không ít cuộc khảo sát, lấy ý kiến tập thể dùng để làm bình phong cho những cái sai. Mà đám đông không phải lúc nào cũng đúng, nhất là đám đông yếu thế bị chèn ép, bị “áp” sẵn đáp án... Để rồi có thể cho ra những kết quả tốt đẹp nhưng làm vỡ nát niềm tin.
Một nhà giáo dục khi nói chuyện với giáo viên, phụ huynh ở TPHCM đưa ra quan điểm, nhiều người lớn rất thích giáo dục con trẻ bằng cách hù dọa. Còn một người khác nói rằng học sinh chúng ta từ độ tuổi tiểu học thường nhìn vào thái độ, phản ứng của thầy cô giáo để đưa ra ý kiến, lựa chọn, câu trả lời của mình chứ không dám chọn theo cách nghĩ, cách nhìn, cách tư duy của chính mình.