Khắc phục khó khăn dạy môn tích hợp.
Nhiều giáo viên gặp khó khăn khi dạy môn tích hợp. |
Khác với chương trình cũ, năm học này, khối lớp 6 có 2 môn học tích hợp được thiết kế, gồm môn Lịch sử và Địa lý tích hợp từ 2 môn Lịch sử, Địa lý; và môn Khoa học tự nhiên tích hợp từ 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học. Do là năm đầu triển khai nên bên cạnh việc vấn đề thừa, thiếu giáo viên giữa các bộ môn, thì một trong những khó khăn khi dạy môn tích hợp là giáo viên chưa được đào tạo liên môn, trong khi một số nội dung trong bài học lại đòi hỏi kiến thức tổng hợp của các môn học.
Bà Đặng Thị Việt Anh – Phó Hiệu trưởng THCS Đồng Tiến, Phổ Yên chia sẻ: "Giáo viên của chúng tôi cũng có thể nói là chưa được đào tạo ở những chuyên ngành như thế, lẽ ra chỉ có 1 giáo viên dạy môn học đó thôi nhưn ghiện giờ chưa đáp ứng được nên chúng tôi phải có 3 giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên "
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho lớp 6 được xây dựng theo hướng mở, giúp phát triển năng lực chung của học sinh trên các lĩnh vực, đồng thời giúp giảm tải một lượng kiến thức bị trùng lặp ở từng môn đơn lẻ. Tuy nhiên, bên cạnh khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng những môn học trong chương trình mới, mỗi giáo viên phải thường xuyên phải tìm tòi, nâng cao kiến thức ở nhiều môn học, và tổ chức dạy học trên cơ sở vừa dạy vừa rút kinh nghiệm.
Giáo viên Hà Thị Thùy – Trường THCS Thắng Lợi, Thành phố Sông Công chia sẻ: "Lớp học chưa có thiết bị hiện đại dẫn đến một số tiết học giáo viên phải sử dụng các mô hình thủ công, chưa đáp ứng được yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018"
Giáo viên Lê Thị Minh Giang – Trường THCS Nguyễn Du, TP Sông Công cho biết: "Các giáo viên bộ môn chúng tôi đã kết hợp chặt chẽ với nhau trong việc xây dựng kế hoạch giảng dạy để đưa ra phương pháp phù hợp nhất cho các em học sinh"
Bên cạnh đó, khi chỉ có khối lớp 6 học tích hợp còn các khối lớp khác vẫn theo học chương trình hiện hành thì việc sắp xếp thời khóa biểu để các thầy, cô giáo đáp ứng được số tiết dạy tích hợp là không dễ. Và khi chưa có giáo viên liên môn, nên việc ra đề và chấm điểm kiểm tra, đánh giá học sinh đối với bài kiểm tra tích hợp cũng sẽ gặp khó khăn.
Bà Dương Thị Lan Anh - Hiệu trưởng THCS Nguyễn Du, Thành phố Sông Công cho biết: "Chúng tôi cũng có kế hoạch cụ thể trong việc sắp xếp kế hoạch giảng dạy, phân công chuyên môn, lên thời khóa biểu để đảm bảo chuyển tải đến học sinh lớp 6 những kiến thức phù hợp với chuyên môn đào tạo của giáo vien"
Bà Đỗ Thị Thu Bình - Hiệu trưởng THCS Đắc Sơn, Thị xã Phổ Yên chia sẻ: "Sẽ tổ chức các phân môn trong các nhóm môn đó như thế nào để đảm bảo chất lượng, kết hợp đánh giá như thế nào theo Thông tư 22 được áp dụng cho năm học này đối với học sinh lớp 6, tất cả đều là cái mới đòi hỏi giáo viên phải nghiên cứu kỹ và thực hiện cho đúng"
Trước những khó khăn, lúng túng của các nhà trường khi triển khai giảng dạy Chương trình Phổ thông mới đối với lớp 6, ngành GD và ĐT đã tăng cường tổ chức bồi dưỡng cho các giáo viên để năng cao kỹ năng dạy các môn tích môn. Cùng với đó, việc đào tạo giáo viên những môn học này sẽ được đẩy mạnh nhằm đáp ứng việc giảng dạy Chương trình phổ thông mới ở những năm học tiếp theo.
PGS.TS. Mai Xuân Trường- Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm, ĐH Thái Nguyên cho biết: "Nhà trường được Bộ GD- ĐT giao bồi dưỡng giáo viên phổ thông của 8 tỉnh, nhà trường ngoài việc tổ chức tập huấn giáo viên giảng dạy các môn học mới cũng đã cập nhật vào chương trình đào tạo để sinh viên khi ra trường có thể đáp ứng được việc giảng dạy theo Chương trình Phổ thông mới "
Không chỉ là thời cơ thay đổi của giáo viên, việc dạy môn tích hợp còn được đánh giá là xu hướng của nền giáo dục hiện đại, là cơ hội để học sinh vận dụng kiến thức tổng hợp để giải quyết những vấn đề đặt ra trong thực tiễn. Chính vì vậy, để đáp ứng yêu cầu truyền tải kiến thức, đòi hỏi mỗi thầy cô giáo phải khắc phục khó khăn, sáng tạo trong bài giảng, tìm những kiến thức tương đồng để học hỏi, ứng dụng phần mềm tạo hiệu ứng tốt vào công tác giảng dạy.