Khả năng tăng thu của ngân sách có xu hướng giảm dần
Thách thức thu ngân sách
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, sau 3 năm thực hiện tái cơ cấu tài chính đã đạt được những kết quả tích cực. Nhờ đó, bội chi được kiểm soát từ 5,12% GDP vào năm 2015 xuống còn 3,6% GDP năm 2016. Cùng với đó, nợ công được kiểm soát tốt hơn, cuối 2017, chỉ còn trên 61% GDP. Nợ nước ngoài quốc gia được kiểm soát dưới 50%. Cùng với đó, tỷ trọng chi đầu tư phát triển đã tăng từ 21 - 22% đến nay lên 26%.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, mặc dù tỷ lệ động viên vào NSNN từ thuế, phí đã chiếm khoảng 27% GDP nhưng thu NSNN chưa bền vững.
Thu ngân sách nhà nước còn phụ thuộc vào một số khoản thu không bền vững (Ảnh minh họa: KT) |
“Các khoản thu nội địa năm 2017 chiếm khoảng 82% tổng thu, song một bộ phận thu nội địa ở địa phương còn phụ thuộc vào việc bán tài sản công. Tình trạng chuyển giá, trốn thuế, gian lận thương mại còn là nguy cơ lớn”, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn chỉ rõ.
Bên cạnh đó, cơ cấu ngân sách đã có chuyển biến tích cực nhưng chi thường xuyên còn quá cao, trong khi chi đầu tư phát triển có chiều hướng giảm. Dư địa tăng thu của ngân sách hiện nay có xu hướng giảm dần trong bối cảnh Việt Nam thực hiện cắt giảm thuế quan theo các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Trong khi đó, cơ cấu các nguồn thu nội địa còn dựa nhiều vào các khoản thu có tính bền vững không cao, chi thường xuyên chiếm tỷ trọng lớn và là các khoản chi khó cắt giảm...
Theo PGS. TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính, cấu trúc thu ngân sách nhà nước (NSNN) Việt Nam đang có những hạn chế nhất định và tiềm ẩn những nguy cơ đối với tính bền vững của nguồn thu xét trong bối cảnh sự thay đổi của kinh tế thế giới.
“Cấu trúc thu NSNN còn phụ thuộc vào một số khoản thu không bền vững trong dài hạn, thậm chí có thể bất ổn ngay trong ngắn hạn (là dầu thô và thu tiền sử dụng đất). Trong ngắn hạn, khi thu từ dầu thô giảm mạnh trong 5 năm gần đây, NSNN đã bị tác động không nhỏ. Trong dài hạn, dầu thô cũng không thể là khoản thu bền vững do sự giới hạn về trữ lượng nhiên liệu hóa thạch”, PGS Lê Xuân Trường phân tích.
Cũng theo ông Trường, hiện chúng ta vẫn chưa phát huy tốt vai trò của một số sắc thuế quan trọng như thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế thu nhập cá nhân. Số thu tuyệt đối từ thuế tiêu thụ đặc biệt tăng cả số thu danh nghĩa và số thu thực tế, nhưng mức tăng còn thấp so với tiềm năng kinh tế có thể khai thác.
Xây dựng chính sách thuế xanh
PGS Lê Xuân Trường cho rằng, cần cấu trúc lại thu NSNN sao cho đảm bảo thu NSNN bền vững. Cấu trúc thu NSNN phải đảm bảo sự tương thích của mức thu với trình độ phát triển của nền kinh tế; đảm bảo sự tương thích về tỷ trọng của các khoản thu với các điều kiện cụ thể của nền kinh tế - xã hội để vừa đảm bảo nhu cầu chi tiêu cần thiết hiện tại, vừa đảm bảo nhu cầu chi tiêu cần thiết trong dài hạn.
“Cần tiếp tục điều chỉnh chính sách thuế theo hướng tăng thu từ thuế, tăng thu nội địa một các hợp lý và điều chỉnh tỷ trọng thu một số sắc thuế chủ yếu trong hệ thống thuế”, PGS Lê Xuân Trường nêu ý kiến.
Bà Nguyễn Thị Cúc: "Nguồn thu chính phải được tạo ra từ nội lực nền kinh tế" (Ảnh: KT) |
Còn theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn Thuế, để giải quyết bài toán tái cấu trúc ngân sách thì chính sách thuế, quản lý thuế phải tác động đến việc thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế, đẩy mạnh đầu tư phát triển có hiệu quả… qua đó, giúp nguồn thu ổn định và tăng trưởng đồng đều hàng năm; nguồn thu chính phải được tạo ra từ nội lực nền kinh tế, không bị tác động từ các yếu tố bên ngoài.
“Nên mở rộng diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với một số mặt hàng mới và tăng cường biện pháp quản lý thu thuế đối với một số hàng hóa đang thất thu thuế lớn như: rượu do dân tự nấu, vàng mã, hàng mã… Đồng thời, nghiên cứu mở rộng thêm một số đối tượng khai thác loại khoáng sản có lợi nhuận siêu ngạch như khai thác lộ thiên, lợi nhuận thu được lớn; đảm bảo tăng thu ngân sách, phù hợp với thông lệ quốc tế”, bà Cúc đề xuất.
Còn theo bà Jacqueline Cottell, chuyên gia của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), việc áp dụng thuế xanh (thuế năng lượng, thuế giao thông) sẽ có tác động tích cực đến tăng trưởng GDP nếu Việt Nam muốn đạt mục tiêu phát triển bền vững. Thuế xanh đóng góp trực tiếp vào các nguồn thu nội địa, giúp đạt được mục tiêu phát triển bền vững, giảm phát thải nhà kính, khắc phục bội chi.
Thực tế, các quốc gia OECD đã lựa chọn thuế xanh nhiều hơn để huy động thêm nguồn thu, hỗ trợ cải cách, tạo cơ sở cho chi nhiều hơn vào giáo dục, phát triển hạ tầng, y tế. Theo thống kê, từ năm 2014 – 2018, nhờ áp dụng thuế xanh, chi cho đầu tư vào giáo dục của OECD đã tăng 14%.
“Việc áp dụng thuế xanh vừa đảm bảo mục tiêu bảo vệ môi trường, nhưng vẫn phát triển kinh tế mà không bị xung đột và không cần phải “đánh đổi. Để áp dụng thuế xanh, cần cải cách chính sách tài khóa xanh thông qua thúc đẩy sản xuất, điều chỉnh tiêu dùng theo hướng tận dụng công nghệ, cũng như thiết kế chính sách tài khóa cải thiện các dịch vụ y tế, giáo dục, môi trường”, bà Jacqueline Cottell khuyến nghị./.