Hội nghị tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong chăn nuôi lợn và ổn định sản xuất
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, năm 2016, tổng đàn lợn của tỉnh Thái Nguyên tăng 132% đạt trên 745.000 con; riêng đàn lợn nái đã tăng 230% đạt trên 214.000 con so với năm 2014. 3 tháng đầu năm 2017, sản lượng thịt hơi của tỉnh đã đạt trên 34.000 tấn dù đã giảm so với cùng kỳ.
Tuy là sản lượng lớn, nhưng ngành Nông nghiệp tỉnh cũng khẳng định thực tế tồn đọng lợn của tỉnh hiện nay là không nhiều, chủ yếu là lợn đã đến và quá lứa xuất chuồng. Nhưng vì giá rẻ, khó tiêu thụ nên người nuôi vấn muốn cầm chừng làm chi phí chăn nuôi đội thêm, gây lỗ. Để tháo gỡ khó khăn, giải cứu ngay cho người nuôi lợn của tỉnh, Sở Nông nghiệp và phát triển Nông nghiệp đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn tăng cường tiêu thụ thịt lợn; xúc tiến cung cầu; đề nghị các ngân hàng tiếp tục khoanh, giãn và tiếp tục cho người nuôi lợn vay duy trì sản xuất; chỉ đạo ngành thú y tăng cường phòng chống dịch bệnh; các doanh nghiệp đầu tư giết mổ khẩn trương đưa quy trình vào thực hiện. Từ sự chỉ đạo nhanh chóng của tỉnh, chính quyền địa phương và doanh nghiệp đã có ngay nhưng giải pháp, hỗ trợ để làm giảm bớt khó khăn cho người chăn nuôi.
Toàn cảnh Hội nghị |
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận xung quanh các giải pháp khẩn cấp như: Đề nghị tỉnh hỗ trợ trực tiếp cho người chăn nuôi lợn với mức 1 triệu đồng đối với các trang trại, gia trại có quy mô từ 10 con nái trở lên để duy trì đàn lợn nái; hỗ trợ 100% kinh phí mua hóa chất, vắc xin tiêm phòng; hỗ trợ chi phí giết mổ tại cơ sở có kiểm soát của cơ quan thú y với mức 35.000 đồng/con; hỗ trợ lệ phí kiểm soát giết mổ 7.000 đồng/con. Các đại biểu cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng xem xét, tiến hành điều chỉnh giá điện đối với các hộ chăn nuôi, đề nghị các ngân hàng có chính sách giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất và tiếp tục cho vay để người chăn nuôi phục hồi sản xuất; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tiêm phòng vắc xin, không để dịch bệnh bùng phát...
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Đoàn Văn Tuấn yêu cầu các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn cần tăng cường công tác tuyên truyền về thực trạng ngành Chăn nuôi hiện nay, các giải pháp cấp bách và lâu dài của tỉnh để ổn định phát triển chăn nuôi. Đồng chí cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp - PTNT khẩn trương xây dựng phương án hỗ trợ người chăn nuôi về công tác phòng chống dịch bệnh, duy trì đàn lợn nái và tổ chức kết nối cung, cầu tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời giao Sở Công Thương có phương án, đề án hỗ trợ tiền điện cho ngành Chăn nuôi. Đối với các ngân hàng, cần tiếp tục cho vay phục vụ sản xuất chăn nuôi và giảm lãi suất trong điều kiện có thể. Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi cần có phương án đề xuất giảm giá bán nhưng vẫn phải đảm bảo về chất lượng. Các doanh nghiệp kinh doanh thịt lợn cần tính toán giảm lãi để người nông dân bớt thiệt thòi. Các sở, ngành chức năng cùng các địa phương trong tỉnh cần có chính sách hỗ trợ chăn nuôi trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm và đảm bảo an toàn dịch bệnh...