Hóa thạch bò sát 250 triệu năm mang phôi thai
Minh họa bò sát biển Dinocephalosaurus mang phôi thai đang ăn cá. Ảnh: Reuters. |
Một hóa thạch bò sát biển mang phôi thai được khai quật tại tỉnh Vân Nam, tây nam Trung Quốc, cho thấy sinh vật này đẻ con chứ không phải đẻ trứng. Loài bò sát biển mới phát hiện có tên khoa học Dinocephalosaurus, sống cách đây khoảng 245 triệu năm vào kỷ Triat.
Dinocephalosaurus có mặt trên Trái Đất sớm hơn cả khủng long, làm thay đổi nhận định trước đây của các nhà khoa học về sự tiến hóa của hệ động vật có xương sống, Reuters hôm 14/2 đưa tin.
Động vật có vú hoặc một số loài bò sát gồm vài loài rắn và thằn lằn nhất định là động vật đẻ con. Dinocephalosaurus là loài đầu tiên trong nhóm các loài động vật có xương sống, bao gồm chim, cá sấu, khủng long và bò sát bay đã tuyệt chủng sinh sản theo cách này, nhà cổ sinh vật học Jun Liu tại Đại học công nghệ Hợp Phì, Trung Quốc, cho biết.
Mẫu vật hóa thạch bò sát biển Dinocephalosaurus được khai quật. Ảnh: PA. |
Dinocephalosaurus là sinh vật có chiếc cổ dài nhất so với kích thước cơ thể. Nó có chiều dài cơ thể khoảng 4 m, trong đó phần cổ phát triển đến 1,7 mét. Dinocephalosaurus có vây bơi như mái chèo, đầu nhỏ, miệng có nhiều răng lớn để săn cá.
"Tôi nghĩ mọi người sẽ ngạc nhiên khi xem cơ thể quái vật biển Dinocephalosaurus, với cái đầu nhỏ bé và chiếc cổ dài ngoằn ngoèo", nhà cổ sinh vật học Mike Benton tại Đại học Bristol, Anh, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.
Cơ thể của Dinocephalosaurus tương tự như Plesiosaur, loài bò sát biển cổ dài giống quái hồ Loch Ness ở Scotland. Plesiosaur phát triển sau thời khủng long không có mối liên hệ họ hàng với Dinocephalosaurus.
Theo các nhà nghiên cứu, việc không đẻ trứng mang lại lợi thế cho Dinocephalosaurus, giúp nó không phải lên bờ đẻ trứng và bị các động vật săn mồi ăn mất trứng như rùa biển.